Tính đến hết tháng 10/2022, toàn quốc có trên 17,16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đạt 89,5% so với kế hoạch của Ngành, tăng hơn 1,6 triệu người (10,38%) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 620.602 người (3,75%) so với hết năm 2021. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đã tăng nhiều so với cùng kỳ và cuối năm 2021. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện có tăng so với cùng kỳ nhưng hiện vẫn giảm gần 90.000 người so với hết năm 2021.
‘Sốt ruột’ với các chỉ tiêu
Ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) đánh giá, trong tháng 10, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp toàn Ngành tiếp tục khởi sắc, các chỉ số đều tăng. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2022 vẫn còn khoảng cách không nhỏ.
Trong 2 tháng cuối năm, ngành BHXH cần phải phát triển hơn 2 triệu người tham gia BHXH. |
Trong đó, BHXH cần phải phát triển hơn 2 triệu người (BHXH bắt buộc hơn 1 triệu người, BHXH tự nguyện hơn 900.000 người). BH thất nghiệp cũng cần tiếp tục phát triển hơn 1,1 triệu người và BHYT là hơn 3 triệu người. Đây là áp lực không nhỏ.
Theo đó, ông Hào đề nghị, 2 tháng cuối năm, trong phát triển BHXH, BHYT, BHXH các địa phương cần bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể của BHXH Việt Nam; soi lại các chỉ tiêu được giao, đánh giá tồn tại, hạn chế để có giải pháp cho phù hợp.
Báo cáo tình hình tại địa phương, đại diện BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết qua 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.479.307 người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn khá phổ biến. Tổng số tiền nợ BHXH là hơn 229 tỷ đồng, chiếm 4,74% trên tổng số phải thu, tăng hơn 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, thời gian gần đây, người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần tăng cao, trong đó đa số người lao động ngừng đóng BHXH sau một năm nghỉ việc hoặc không tham gia đóng BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp có tăng so với những năm trước, nhưng vẫn còn thấp so với Quyết định số 3567/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh.
Trước thách thức trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BHXH tỉnh căn cứ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, rà soát, kiểm tra và gửi văn bản, làm việc trực tiếp với đơn vị sử dụng lao động để yêu cầu tham gia BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định. Đối với đơn vị không chấp hành đóng BHXH, BHYT cho người lao động Giám đốc BHXH tỉnh ban hành quyết định thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đột xuất hoặc phối hợp với các ngành liên quan (LĐ-TB&XH, Thuế…) thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để vào cuộc xử lý nghiêm; tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT...
Thêm nguồn lực hỗ trợ
Trong khi đó, để đẩy mạnh phát triển BHXH, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 2466/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Cụ thể, Công văn yêu cầu BHXH Gia Lai chủ trì và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở LĐ-TB&XH, Cục Thuế tỉnh rà soát, đối chiếu, xác định số đơn vị, DN đang hoạt động, thành lập mới; số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; Người lao động là công dân nước ngoài được cấp phép lao động trên địa bàn tỉnh để đôn đốc, hướng dẫn đơn vị tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho người lao động theo quy định, triển khai hoạt động thông tin, truyền thông, vận động phát triển người tham BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng phục vụ.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thành viên hợp tác xã có mức sống trung bình….
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhiệm vụ trong 2 tháng cuối năm của toàn Ngành vẫn còn rất nặng nề. Vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu, toàn Ngành, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến nhiệm vụ của Ngành.
BHXH các tỉnh, thành phố cần khẩn trương, tăng cường hơn nữa công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là có thêm các chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia trên địa bàn; huy động nguồn xã hội hóa, các nhà tài trợ để thêm nguồn lực hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH, BHYT.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, toàn Ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
“Toàn Ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh các phong trào thi đua nước rút, quyết tâm về đích trong 2 tháng cuối năm 2022” - Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Dương Ánh