Không chỉ có thế mạnh về du lịch văn hóa lịch sử, danh thắng, ẩm thực, Hà Nội còn có lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp.
Phát huy được tiềm năng này không chỉ mang lại lợi nhuận cho Hà Nội mà còn tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương.
Chưa xứng tiềm năng
Những năm gần đây, mỗi năm, làng rau sạch Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) đều đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về mô hình trồng rau sạch của địa phương. Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đa phần đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú về quy trình sản xuất rau từ vun luống, bón phân hay gánh nước tưới cho từng luống rau… Thậm chí, họ còn được tận tay “sản xuất rau”…
Không chỉ tại làng rau Giang Biên, mà tại Hà Nội, một số mô hình tham quan trang trại, miệt vườn… cũng đã được triển khai tại các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ... giúp khách du lịch có được những trải nghiệm thú vị.
Chị Đỗ Thanh Hường (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ khi biết đến các tour du lịch kết hợp nông nghiệp, những ngày cuối tuần, vợ chồng chị thường xuyên đưa các con đến trang trại hữu cơ Tuệ Viên (Gia Lâm). Du lịch nông nghiệp là phương pháp hữu ích giúp các con chị được hòa mình vào thiên nhiên, biết được sự vất vả của người nông dân.
Hà Nội là vùng đất tập trung nhiều làng nghề truyền thống và nhiều vùng nông nghiệp ngoại thành, như: Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ… Đặc biệt, khu vực xung quanh chân núi Ba Vì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương.
Nơi đây hình thành các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời, như: Làng chè Ba Trại, làng thảo dược người Dao ở xã Ba Vì; các trang trại nông hộ nuôi bò sữa, trồng rau rừng, hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu, trâu, bò vàng nổi tiếng... Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển du lịch nông nghiệp mà không phải địa phương nào cũng có.
Việc cần làm hiện tại là hiện thực hóa những tiềm năng đang có
Phá vòng luẩn quẩn
Ts. Ngô Kiều Oanh - người xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trang trại đồng quê Ba Vì, cho biết du lịch nông nghiệp vốn là một trong những thế mạnh của Hà Nội, nhất là khi 70% người dân vẫn còn sống ở các vùng nông thôn. Phát triển tốt loại hình du lịch này chính là cơ hội tạo việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương…
Theo UBND Tp.Hà Nội, từ năm 2013, nhiều chính sách đã được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các vùng, mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển.
“Hà Nội đang đẩy mạnh các hoạt động gắn du lịch nông nghiệp tại các trang trại ở Ba Vì, Đường Lâm (Sơn Tây), Cự Khối (Long Biên)… nhằm quảng bá thương hiệu, đồng thời, thúc đẩy tiến trình xây dựng các tuyến du lịch để thu hút khách”, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết.
Để đạt được những kết quả tương xứng với tiềm năng, Ts. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Phát triển Du lịch, cho rằng: Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề thủ công truyền thống, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch một cách bài bản (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic…) kết hợp với dịch vụ homestay để góp phần giữ gìn môi trường; phát triển các chuỗi liên kết, tạo sức hút mạnh đối với khách du lịch.
“Để phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, giữa các trang trại, các vùng, giữa chính quyền và nông dân, công ty du lịch và địa phương cần phải “bắt tay” nhau nhiều hơn. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch nông nghiệp. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, bảo đảm văn minh, an toàn cho du khách”, Ts. Nguyễn Anh Tuấn nói tiếp.
Như Yến