Cảnh báo nội dung trên truyền thông để bảo vệ trẻ em là một hành động mà ai cũng phải lưu ý một cách cẩn thận.
Từ ngày 1/10/2017, Thông tư về việc cảnh báo thông tin không phù hợp với trẻ em trên truyền thông, bắt đầu có hiệu lực. Đây là một văn bản pháp quy quan trọng của Bộ Thông tin- Truyền thông nhằm bảo vệ sự trong sáng và hồn nhiên cho những lứa tuổi thiếu nhi. Vì vậy, không chỉ các bậc phụ huynh mà những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí- xuất bản cũng đồng tình ủng hộ.
Thời đại bùng nổ thông tin, nhu cầu xem, nghe và đọc của trẻ em cũng phát triển. Để những điều hơi ghê rợn và hơi phản cảm không ảnh hưởng trực tiếp đến tâm hồn trẻ em, cần có những rào cản hợp lý. Thông tư của Bộ Thông tin- Truyền thông yêu cầu những cảnh báo nội dung có thể bằng nhiều phương thức như âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng... nhưng phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận dạng.
Tuỳ theo độ tuổi của trẻ em để đưa ra những cảnh báo khác nhau. Ví dụ nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi, nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 11 tuổi, hoặc nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 16 tuổi. Đặc biệt các sản phẩm truyền thông về giáo dục giới tính, bạo lực hoặc xâm hại tình dục, thì phải ghi rõ "cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn cho trẻ em đọc" ngay dưới tên sách hoặc ngay trang bìa.
Việc cảnh báo nội dung hạn chế đối tượng trẻ em, đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam khởi động vấn đề này không phải quá muộn, nhưng cũng còn nhiều trở ngại phải giải quyết. Ví dụ, những biểu tượng quy định độ tuổi thưởng thức, thì dùng lại biểu tượng quốc tế hay mỗi đơn vị truyền thông tự thiết kế theo ý tưởng riêng.
Về nội dung trên Internet, hiện tại trẻ em tiếp xúc với điện thoại thông minh và máy tính bảng rất dễ dàng, thậm chí còn thường xuyên hơn các loại báo in, báo nói hay báo hình. Làm sao để bảo vệ trẻ em trước sự chi phối rộng khắp của mạng xã hội, cũng là một khía cạnh phải suy nghĩ thêm thật thấu đáo.
Nội dung xấu thì không khó nhận diện để cảnh báo cho trẻ em, nhưng những nội dung vô thưởng vô phạt thì càng đòi hỏi nhiều hơn ở trách nhiệm người lớn. Những game show nhạt nhẽo vẫn khuyến khích trẻ em bắt chước thần tượng nọ thần tượng kia càng khiến tuổi thơ bị vẩn đục và bị lệch lạc! Phía ngược lại, những chương trình giải trí không ngần ngại khai thác gia cảnh bi thương của trẻ em, như một chiêu trò hòng lấy nước mắt khán giả, thì phải cảnh báo như thế nào? Đó cũng là một nỗi lo cho thế hệ tương lai của đất nước, mà nhiều người vì ham vui hoặc vì lợi nhuận vẫn đang thờ ơ.
Cảnh báo nội dung trên truyền thông để bảo vệ trẻ em là một hành động mà ai cũng phải lưu ý một cách cẩn thận. Tuy nhiên, bộ “lọc” quan trọng vẫn phụ thuộc vào các bậc phụ huynh. Khi cha mẹ mải mê mưu sinh, không ưu tiên dành thời gian cho việc giáo dục con cái, thì mọi cảnh báo đều vô dụng!
Vũ Hồng