Cơ sở rửa xe xả nước ra đường
Dù Chính phủ đã ra luật quy định dịch vụ rửa xe thuộc đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường với các điều kiện nghiêm ngặt về xử lý chất thải, nguồn nước sử dụng… nhưng tại các thành phố lớn gần như việc này vẫn chưa hiệu quả.
Nhu cầu lớn
Theo Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT, hiện nay trên địa bàn Thủ đô hiện có gần 5,9 triệu phương tiện giao thông đang hoạt động, trong đó hơn 596.000 ô tô, còn lại chủ yếu là xe máy. Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 16.000-22.000 xe máy và 6.000-8.000 ô tô đăng ký mới. Dự kiến, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô và khoảng 7 triệu xe máy lưu hành, chưa kể xe của khối lực lượng vũ trang và các tỉnh, thành khác lưu thông vào Hà Nội.
Việt Nam đang đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á về số phương tiện giao thông cá nhân trên đầu người. Bình quân số phương tiện cá nhân trên đầu người tại nước ta vào khoảng 400 – 500 phương tiện/1000 người. Như vậy số phương tiện giao thông hiện nay rất lớn nên dịch vụ đi kèm như rửa xe ngày càng phát triển mạnh.
Anh Vũ Anh Tám, (Từ Liêm-Hà Nội), cho biết: Trừ khi bận công việc chứ nếu rảnh rỗi mà nhìn xe bẩn không mang đi rửa, tôi không chịu được. Vì của bền là tại người.
Anh Trần Văn Quyết, chủ tiệm rửa xe ở Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết những ngày mưa như mấy hôm nay anh đã phải huy động thêm 4 người cùng làm. 3 người cọ rửa, một người lau khô, làm cật lực mà vẫn còn khách đợi.
Anh Quyết cũng cho biết những ngày mưa dầm, tiệm rử xe của anh có thế rửa 60-70 chiếc xe máy/ngày. Với mức giá 20.000 đồng/xe, trung bình anh có thể thu 2 đến 3 triệu đồng/ngày.
Ô nhiễm môi trường
Dịch vụ rửa xe hiện nay không hề hiếm, chỉ đi dọc trên một tuyến đường bất kì nào cuả Hà Nội cũng thấy xuất hiện nhan nhản các tiệm, bãi rửa xe từ cao cấp đến bình dân để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Từ những địa điểm rửa xe của những hãng uy tín như Honda, Toyota… được đầu tư và có hệ thống xử lí nước thải, còn lại các dịch vụ rửa xe hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, không có hệ thống, quy trình xử lí nước thải. Nhiều người còn tận dụng vỉa hè, đất công làm nơi rửa xe… làm ảnh hưởng đến mĩ quan, giao thông và gây ô nhiễm môi trường.
Đi kèm với chất lượng dịch vụ rửa xe ngày càng tăng cao thì lượng nước thải phát sinh ngày một nhiều. Theo tính toán cảu các chuên gia, lượng nước thải phát sinh bình quân tại mỗi trạm rửa xe trung bình khoảng 5 -20 m3/ngày. Trong nước thải rửa xe có các chất gây ô nhiễm môi trường trầm trọng như : chất tẩy rửa tổng hợp từ các chất tạo bọt, xà phòng, các dung môi, dầu nhớt từ xe máy, hàm lượng cặn lơ lửng từ bánh xe, gầm xe rất cao… nhưng hầu như không được xử lí mà xả thẳng ra đường, cống… làm ô nhiễm nguồn đất, nước, gây trơn trượt cho người đi đường.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, quy định đối tượng chịu phí gồm nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.
Trong đó, nước thải từ các cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; bệnh viện; phòng khám chữa bệnh.... đều phải chịu phí môi trường.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế VAT. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách pháp luật cuả các chủ cơ sở rửa, sửa chữa ô tô, xe máy vẫn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, sự quản lí của các cấp ngành về vấn đề này vẫn còn lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các chủ cơ sở hoạt động.
Để xử lý tình trạng bãi rửa xe bát nháo như hiện nay, các phường, xã cần có quy hoạch điểm rửa xe tập trung, được trang bị công nghệ xử lý nước thải, tiếng ồn cũng như các điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, hoặc kêu gọi công tác xã hội hóa, tránh để các hộ cá thể làm tự phát như hiện nay.
Như Yến