Theo bản tin thị trường Nông, lâm, thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương), tháng 12/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm 8,1% về lượng và giảm 20,7% về trị giá so với tháng 11/2018, đạt 189,05 nghìn tấn, trị giá 72,33 triệu USD, giảm 46,4% về lượng và giảm 33% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu trung bình ở mức 382,6 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu sắn của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn (Ảnh: Internet) |
Năm 2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 844,31 triệu USD, giảm 38,3% về lượng và giảm 7,3% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 392,9 USD/tấn, tăng 50,4% so với năm 2017.
Năm 2018, xuất khẩu sắn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc xả kho dự trữ ngô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp, khiến giá ngô tại Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế là sắn lát nhập khẩu; Tỷ giá giữa NDT/VND giảm do đồng NDT tiếp tục mất giá so với đồng USD, gây bất lợi cho các giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu.
Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do nước này tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan.
Cùng với đó, Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn vẫn gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, đặc biệt là những quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thy Lê