Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong tháng 5/2018, giá sắn nguyên liệu và tinh bột sắn về nhà máy giảm, do xuất khẩu (XK) gặp khó khăn và chất lượng sắn củ đưa về kém.
Giá lao dốc
Hiện, Bộ Công Thương cho biết, giá sắn đưa về các nhà máy tinh bột tại khu vực Tây Ninh giảm 300 đồng/kg so với đầu tháng, dao động quanh mức 3.100 – 3.200 đồng/kg.
Giá sắn nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên cũng điều chỉnh giảm còn phổ biến quanh mức 2.600 – 2.700 đồng/kg.
Hầu hết các nhà máy khu vực Đăk Lăk đã nghỉ do hết vụ. Duy có khu vực Phú Yên và Gia Lai, một số vùng trồng muộn vẫn có sắn đưa về nhà máy nhưng số lượng ít.
Theo ước tính, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn XK tháng 5/2018 đạt 200 nghìn tấn, trị giá 91 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với tháng 4/2018; giảm 21,4% về lượng, nhưng tăng 42,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn XK đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 460 triệu USD, giảm 25,6% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân đạt 354 USD/tấn, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện giá sắn lát XK của Việt Nam giảm xuống còn quanh mức 242 USD/tấn FOB, tương đương 255- 257 USD/tấn CNF. Dự báo thị trường còn trầm lắng trong 2-3 tháng tới.
Bên cạnh đó, thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2018, lượng tinh bột sắn XK đạt 114,5 nghìn tấn, trị giá 70,7 triệu USD, giảm 16,4% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 3/2018, giá XK trung bình đạt 489 USD/ tấn, tăng 7,3% so với tháng 3/2018.
Trong đó, 90% lượng tinh bột sắn XK sang Trung Quốc với 130 nghìn tấn, trị giá 63,25 triệu USD, giảm 13,3% về lượng và giảm 6,6% về trị giá so với tháng 3/2018.
XK sắn lát khô đạt 51,48 nghìn tấn, trị giá 11,63 triệu USD, giảm 67,5% về lượng và giảm 68,6% về trị giá so với tháng 3/2018, tất cả đều được XK sang Trung Quốc, giá XK trung bình đạt 226 USD/tấn, giảm 3,4% so với tháng 3/2018.
Đáng chú ý, về dung lượng thị trường nhập khẩu sắn lát Trung Quốc và thị phần của Việt Nam, theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 3/2018, Trung Quốc đã nhập khẩu 750 nghìn tấn sắn lát, tăng 25% so với tháng 2/2018 nhưng giảm 23,6% so với tháng 3/2017.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 2,1 triệu tấn sắn lát, trị giá 463 triệu USD, giảm 56 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, lượng sắn lát nhập khẩu từ Thái Lan chiếm tới 1,67 triệu tấn (chiếm 79,5%) và chỉ có khoảng 390 nghìn tấn sắn lát được nhập khẩu từ Việt Nam (chiếm 18,6%).
Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu sắn từ Thái Lan và giảm nhu cầu mua từ Việt Nam |
Trung Quốc "chuộng" sắn Thái hơn
Bộ Công Thương lý giải giá sắn lát của Thái Lan thấp hơn so với giá sắn lát của Việt Nam khiến cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu từ Thái Lan và giảm nhu cầu mua từ Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan, hiện nay, giá xuất khẩu sắn lát từ 240 – 245 USD/tấn FOB Bangkok, giá XK tinh bột sắn giữ ổn định ở mức 550 USD/tấn FOB Bangkok.
Theo ông Phạm Vũ Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, ngành sắn Việt Nam đang bị phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi Trung Quốc giảm hoặc ngừng mua là lập tức giá sắn tại Việt Nam bị ảnh hưởng, cả nông dân lẫn DN XK, cơ sở chế biến đều chao đảo.
Trong khi đó, những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… nước ta cũng XK sắn nhưng khối lượng thấp và các thị trường này thường đòi hỏi chất lượng cao, chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm rất nghiêm ngặt trong khi hầu hết sản phẩm sắn của Việt Nam chưa thể đáp ứng được.
Ngoài ra, trước đó do giá sắn tăng cao, nông dân ồ ạt trồng nên chất lượng không cao khiến các nhà máy thu mua khắt khe hơn.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng: Việc bùng nổ diện tích trồng sắn đã dẫn đến nhiều hệ luỵ như phá vỡ quy hoạch chung của ngành nông nghiệp ở địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng. Đáng ngại là chất lượng sắn thấp, sản lượng không cao nên việc tiêu thụ khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân dễ bị lỗ.
Hơn nữa, đối với thị trường Trung Quốc, theo các chuyên gia, thị trường này đang thay đổi, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải – đánh giá, Trung Quốc đã trở thành một thị trường yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, do đó tăng cường quản lý khu vực biên giới, siết chặt việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.
"Với xu hướng quản lý hiện nay, XK của Việt Nam vào thị trường này sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN", ông Hải nhấn mạnh.
Thy Lê