Hiện chỉ một số ít nhà máy tinh bột sắn tại khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên hoạt động. Một số khác chỉ chạy khi có đơn đặt hàng của khách, với giá bán đảm bảo chi phí sản xuất.
Đáng chú ý, tại Nghệ An, thời điểm này là chính vụ sản xuất tinh bột sắn nhưng nhiều nhà máy sắn trên địa bàn tỉnh đã phải đóng cửa do không có nguyên liệu để sản xuất. Hiện nay, Nghệ An hiện có trên 7.000ha sắn quy hoạch ở các huyện Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ, Đô Lương… Tuy nhiên vẫn còn tình trạng trồng sắn mang tính tự phát, đầu tư thâm canh hạn chế, dẫn đến năng suất thấp.
Đặc biệt, một số nhà máy thiếu liên kết, hợp tác với nông dân vùng nguyên liệu để có các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân vật tư, phân bón, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nông dân và doanh nghiệp không có sự ràng buộc lẫn nhau, vì thế người dân chuyển đổi từ cây sắn sang cây khác. Đây là nguyên nhân chính khiến các nhà máy thiếu nguyên liệu.
Giá sắn xuất khẩu tăng |
Về xuất khẩu, hiện nay giá sắn lát tiếp tục tăng khi nhu cầu mua hàng nhập kho của các đơn vị kinh doanh mặt hàng này tăng. Hiện, giá chào xuất khẩu sắn lát của Việt Nam liên tục tăng mạnh và vượt mức 270 USD/tấn CNF.
Do giá nguyên liệu tăng mạnh nên chào giá xuất khẩu chính ngạch của các nhà máy tinh bột sắn Việt Nam cũng tăng 10 USD/tấn, với mức giá khoảng 520-530 USD/tấn FOB-TP.HCM.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại nêu rõ: Những năm trước, do giá sắn ở ngưỡng thấp nên sản lượng niên vụ 2017-2018 của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đều giảm do thu hẹp diện tích gieo trồng. Dự báo, giá sắn nguyên liệu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu thị trường cao, đặc biệt khi các nhà máy chế biến nguyên liệu sinh học ethanol đẩy mạnh thu mua sắn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan: Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 579,28 nghìn tấn, trị giá 177,44 triệu USD, giảm 13,9% về lượng nhưng tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Công Trí