Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) 5 tháng đầu năm 2018 đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8%, trong đó khu vực trong nước tăng 17,8%; khu vực có vốn FDI tăng 15%. Đây là tín hiệu tích cực khi lần đầu tiên khối nội vượt khối ngoại về tốc độ tăng trưởng XK.
FDI vẫn chi phối
Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận đây mới chỉ là những dấu hiệu tích cực xuất hiện lần đầu tiên nên chưa bền vững, nhất là khi động lực tăng trưởng của XK vẫn dựa vào khu vực FDI. Điều này được thể hiện rõ nét trong khoảng 5 năm gần đây. Hiện mới chỉ có hơn 7.000 DN nước ngoài – chiếm 2% tổng số DN xuất nhập khẩu cả nước nhưng tổng giá trị XK chiếm đến 70% tổng kim ngạch XK cả nước.
Theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), DN FDI hiện chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch XK. Năm 2000, DN FDI chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch XK, năm 2010 chưa tới 50%, nhưng năm 2017 đã chiếm tới 72,6%.
Một điểm đáng lưu ý là dù Việt Nam xuất siêu, nhập siêu hay cân bằng cán cân thương mại hoàn toàn phụ thuộc vào khối FDI. Xuất siêu mấy năm qua đều nhờ FDI. DN FDI xuất siêu nhiều thì Việt Nam xuất siêu nhiều. Trong khi đó, DN nội địa vẫn nhập siêu rất lớn.
Đồng thời, có lợi thế XK ở các mặt hàng nông lâm thuỷ sản, dệt may, da giày… nhưng thương hiệu "Made in Vietnam" vẫn còn lu mờ trên thị trường thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng: "Nói tới gạo, người dùng thế giới nghĩ ngay tới "Made in Thailand"; nói tới quần áo, giày dép nghĩ tới "Made in China", "Made in Paskistan"…, còn "Made in Vietnam" chưa được nói tới nhiều.
"Ở nước ngoài, tôi từng dùng và biết các sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam nhưng đáng tiếc, nhìn vào nhãn mác lại thấy của nước khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại về giá trị mà còn ảnh hưởng tới việc định hình thương hiệu của chúng ta trên thị trường thế giới", ông Hiếu cho biết.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhìn nhận Việt Nam là một nền kinh tế mở, được định hướng bởi XK, đồng thời có nhiều sản phẩm XK nổi tiếng như nông lâm thuỷ sản, dệt may, da giày…, nhưng các DN XK, đặc biệt là DN vừa và nhỏ còn đứng trước nhiều thách thức về thị trường, công tác dự báo cung cầu thị trường, thông tin cùng những thách thức quản trị, hoạch định chiến lược…
Theo ông Vinh, các DN Việt không nên nặng nề về thị trường trong nước hay ngoài nước bởi các sản phẩm sẽ cạnh tranh với nhau trong con mắt người tiêu dùng chứ không phải DN cạnh tranh với nhau. Vì vậy, DN Việt Nam cần thiết phải đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã và xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, XK Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn thương mại đi kèm chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên. Các chuyên gia cho rằng DN cần phải nắm bắt thông tin về thay đổi chính sách của từng thị trường.
Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội), các quốc gia đều thiết lập rào cản thương mại của riêng họ. Thương mại luôn luôn không công bằng, vì thế cách duy nhất là chúng ta phải tạo ra công bằng để bảo vệ DN mình một cách tốt nhất.
Năm 2000, DN FDI chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch XK, năm 2010 chưa tới 50%, nhưng năm 2017 đã chiếm tới 72,6% |
Bất ổn thương mại
DN cần học hỏi theo đuổi các nguyên tắc mà phía đối tác đưa ra. Chẳng hạn như hiện nay, phía Mỹ đang thực hiện chương trình giám sát các sản phẩm thuỷ sản, nếu DN nắm rõ những yêu cầu, quy định của chương trình này thì có thể dễ dàng vượt qua.
"Tôm Ấn Độ vẫn bán được giá cao vì họ biết được các nguyên tắc của chúng tôi, trong khi tôm Việt Nam cứ kêu khó mà ít tìm hiểu", ông Adam Sikoff nói.
Hay cách đơn giản được vị chuyên gia này đề cập là muốn đối tác biết tới mình, việc làm tối thiểu nhất là DN phải có đầy đủ thông tin về mình, về sản phẩm trên trang web của mình. Trang web phải tương tác với khách hàng, tránh tình trạng DN có sản phẩm tốt nhưng khách hàng không biết sản xuất ở đâu, liên hệ với ai để mua.
"Nếu hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt, các bạn biết cách đa dạng thị trường thì chúng tôi mới là người phải lo ngại. Nếu chúng tôi cứ đưa ra nhiều rào cản, chính các bạn mới là người rời bỏ thị trường Mỹ", ông Adam nói.
Liên quan tới các hành vi trả đũa thương mại giữa Mỹ –Trung Quốc gần đây, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra sẽ gây tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu. Việt Nam – nền kinh tế có Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ.
Năm 2018, khi hàng nhập khẩu từ đối tác lớn nhất Trung Quốc bị áp mức thuế 10%, 15%, thậm chí 25%, đây là cơ hội lớn để các nước khác, trong đó có Việt Nam XK vào Mỹ để thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế một khi hàng hóa Trung Quốc khó vào Mỹ sẽ XK sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, nhất là đối với sản xuất tiêu dùng.
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, đồng thời nhập siêu nguyên liệu từ Trung Quốc. Khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này XK vào Việt Nam, trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với các sản phẩm từ Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) cũng giảm.
Chưa thấy căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tác động tới kim ngạch XK của ngành cá tra, nhưng ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, lo ngại với thị trường Mỹ, ngành cá tra đang phải đối mặt với việc bị áp thuế chống bán phá giá lên đến 7,7 USD/kg, chưa kể phải thực thi theo chuẩn Farm Bill, việc XK sang Mỹ chắc chắn sẽ sụt giảm. Năm 2017, XK cá tra sang Mỹ giảm 11% so với năm 2016, với tình hình trên, dự báo XK cá tra sang Mỹ năm 2018 sẽ giảm tiếp.
"Điều DN lo ngại nhất hiện nay là không biết đợt xem xét hành chính lần thứ 14 mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra sẽ nâng mức thuế lên bao nhiêu. Chưa kể, nếu thị trường Mỹ gây khó khăn cho cá tra, thị trường khác lợi dụng cũng áp đặt rào cản, từ đó gây khó cho chúng ta", ông Quốc lo lắng nói.
Để tránh rủi ro trong thời gian chờ xem xét của Tòa án thương mại quốc tế Mỹ (CIT) về thuế chống bán phá giá cá tra vào thị trường Mỹ, ông Quốc cho biết các DN cá tra cần tìm thị trường thay thế như đẩy mạnh XK sang các nước Đông Nam Á, Trung Đông.
Lê Thúy