Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 122,42 tỷ USD, thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra là 123,5 tỷ USD. Ước tính mỗi tháng trong 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân 23 – 23,4 tỷ USD mới đạt mục tiêu cả năm đạt 263 tỷ USD.
Tăng trưởng khó khả thi?
Mục tiêu này có khả thi? Thực tế, ngay trong tháng 7 vừa qua, kết quả đạt thấp so với con số 23 – 23,4 tỷ USD. Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch XK hàng hóa tháng 7 ước đạt 22,60 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận đây là nhiệm vụ rất khó khăn, bởi lần gần nhất XK của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018. Trong khi đó, tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng không phải là môi trường thuận lợi để Việt Nam tăng tốc XK trong những tháng còn lại của năm 2019.
Trong bối cảnh này, cách duy nhất giúp XK tăng tốc chính là “liều thuốc” hiệp định thương mại tự do (FTA) có tác dụng. Số liệu thống kê cũng cho thấy kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam (tháng 1/2019), một số kết quả bước đầu được ghi nhận. Kim ngạch XK của Việt Nam sang các thị trường CPTPP hầu như đều tăng, trừ Australia (giảm 15,3%). Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2019, XK sang Canada tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2018, Mexico tăng 24,1%, New Zealand tăng 10,1%, Nhật Bản tăng 7,8%, Sigapore tăng 5,7%.
Việt Nam đã bước đầu tận dụng được CPTPP để khai thác các thị trường mới (Canada và Mexico), qua đó đa dạng hóa hoạt động XK và giảm dần mức độ dễ bị tổn thương trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung còn nhiều phức tạp.
Các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam (dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị…) vào các thị trường mới trong CPTPP hầu như đều tăng, thể hiện năng lực tận dụng được phần nào ưu đãi từ Hiệp định của các doanh nghiệp (DN). Trong đó, XK dệt may vào Canada 5 tháng đầu năm 2019 tăng 22% so với cùng kỳ, giày dép tăng 30,6%, điện thoại linh kiện tăng 138,3%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 141,5%.
Tuy nhiên, khả năng tận dụng CPTPP nói riêng và các FTA nói chung vẫn còn khiêm tốn. Các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như nông, lâm, thủy sản dường như bỏ ngỏ nhiều cơ hội. Trong 6 tháng đầu năm 2019, XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh. XK cà phê đạt 1,6 tỷ USD, giảm 21,1% (lượng giảm 10,6%); hạt điều đạt 1,5 tỷ USD, giảm 11,8% (lượng tăng 12,5%); gạo đạt 1,5 tỷ USD, giảm 17,6% (lượng giảm 2,9%).
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT May Sài Gòn 3, cho biết DN này đã xúc tiến XK sản phẩm may mặc vào Australia, Canada ngay khi CPTPP còn trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, những dòng sản phẩm đạt yêu cầu xuất xứ vào CPTPP của May Sài Gòn 3 chưa nhiều do phần lớn nguyên liệu được nhập khẩu từ các thị trường ngoài CPTPP, phần còn lại vẫn phải chịu mức thuế 17%.
Nhìn chung, thời gian qua, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA còn thấp, điển hình như tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong XK của các DN Việt Nam năm 2018 chỉ đạt 34% trong ASEAN và FTA ASEAN – Úc – NewZealand (AANZFTA), 29% trong FTA ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), 67% trong FTA Việt Nam – Chile (VCFTA).
Diễn biến XK hàng hóa sang một số thị trường thuộc CPTPP |
Vẫn vướng xuất xứ
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), XK của Việt Nam vào các nước FTA vẫn duy trì xu hướng tăng nhưng mức độ thâm hụt cán cân thương mại ngày càng gia tăng do nhập khẩu từ các nước ký kết FTA có xu hướng tăng cao hơn XK. Điều đó dẫn đến hàng hóa sản xuất trong nước phải cạnh tranh ngay trên sân nhà với hàng nhập khẩu từ thị trường FTA với giá cả, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ hậu mãi phần nhiều là tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế trong khai thác các lợi thế về ưu đãi thuế quan của các DN. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là các DN chưa quan tâm nhiều đến quy tắc xuất xứ.
Hiện nay, nhiều sản phẩm XK của Việt Nam có sử dụng nguồn nguyên liệu từ những nước không nằm trong FTA, như Trung Quốc.
Thống kê của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VCCI) cho thấy, các khiếu nại từ các thị trường XK đối với XK hàng hóa của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Tính đến hết tháng 12/2018, VCCI nhận được 110 thư yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), riêng tháng 12/2018 nhận được 5 thư yêu cầu kiểm tra. Các mặt hàng bị yêu cầu kiểm tra phổ biến là xe, lốp xe, đinh vít, quần áo, tôm… Trong đó, thị trường EU chiếm 90% thư yêu cầu.
Bên cạnh đó, nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền XK hoặc gia tăng tần suất kiểm tra lớn do chưa đáp ứng các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, vệ sinh và kiểm dịch động thực vật tại các thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước EU. Nguyên nhân là sản xuất trong nước chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu trong chăn nuôi, trồng trọt và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng.
Ngay cả với FTA Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết, các chuyên gia cho rằng việc đánh giá lợi thế mà Hiệp định mang lại cho Việt Nam so với các nước ASEAN khác trong việc tiếp cận thị trường EU vẫn còn quá sớm. Trên thực tế, EU đã hoàn thành FTA với Singapore và cũng đang đàm phán FTA với một số nước ASEAN khác. Khả năng EU có một FTA gộp với các nước ASEAN trong tương lai cũng không được loại trừ.
Theo đó, lạc quan vào triển vọng và vai trò của EVFTA trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là cần thiết, song cần tránh sa đà vào những con số đánh giá tác động cụ thể của EVFTA mà bỏ qua tương tác của hiệp định này với các FTA đã có khác.
Hơn nữa, các chuyên gia khuyến nghị để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam là một yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, trong nhiều năm, một khái niệm tưởng chừng đơn giản như “hàng Việt Nam” hầu như lại chưa được định nghĩa một cách xác đáng, khoa học.
“Nói không quá là hình dung về khái niệm “hàng Việt Nam” cũng đại khái, thiếu rõ ràng như cách chúng ta nhìn nhận về yêu cầu chất lượng sản phẩm ở Việt Nam”, một chuyên gia nhận xét.
Trong chừng mực đó, việc hàng nhập khẩu gian lận xuất xứ, nhãn mác hàng Việt Nam không phải là vấn đề mới. Bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, những hành động của Mỹ áp đặt đối với hàng gian lận xuất xứ từ Việt Nam và những hệ lụy đi kèm buộc các cơ quan phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về “hàng Việt Nam” và các quy định, chế tài liên quan.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cần phải khẳng định rằng các FTA, điển hình như CPTPP, EVFTA đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho XK sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, lâm sản, đồ gỗ, rau quả, trái cây và các nông sản khác (gạo, cà phê, cao su…). Bên cạnh đó, cũng sẽ có những thách thức, như các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng lại nâng cao các hàng rào phi thuế quan và kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Các DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội… Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Việc đàm phán, ký kết các FTA đã mang lại nhiều cơ hội cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại. Nhiều DN chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế cũng như chưa chủ động kết nối với các DN trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên Việt Nam có các hiệp định với hầu hết nền kinh tế trên thế giới nhưng không ai có thể khẳng định trong tương lai các nước trong khu vực không tham gia các hiệp định tương tự. Không đơn giản chỉ là thuế suất, mã HS hay quy tắc xuất xứ, DN còn phải quan tâm tới nhiều vấn đề và thủ tục khác mới có thể đưa hàng hóa XK. |