Đánh giá cơ hội về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mới được ký kết, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hồ Gươm, cho biết các doanh nghiệp (DN) dệt may được đánh giá là sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ EVFTA.
Thị trường EU vốn được coi là một thị trường đầy tiềm năng với DN dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua, tuy nhiên doanh thu xuất khẩu (XK) hàng năm không phản ánh đúng tiềm năng này.
Hấp thụ FTA thấp
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam ra thế giới 2018 đạt 36 tỷ USD nhưng XK sang EU chỉ chiếm chưa đến 12%.
Khi được hưởng ưu đãi từ EVFTA, thuế nhập khẩu hàng dệt may vào EU trong 7 năm khi Hiệp định có hiệu lực sẽ giảm tới 99,7% lượng hàng hóa nhập vào EU có thuế suất về 0%. Điều này tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi XK vào EU.
Tuy nhiên, ông Trịnh cũng lo ngại khi Hiệp định được thông qua, các DN nói chung và DN dệt may nói riêng sẽ phải cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng không chỉ với các DN nước ngoài, DN FDI, mà còn phải cạnh tranh giữa các DN Việt Nam với nhau để tồn tại và phát triển.
Nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA “thoáng” hơn CPTPP là xuất xứ từ vải và được phép cộng dồn cả vải của các nước đã từng ký FTA với EU như Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay lập tức ngành dệt may cũng chưa được hưởng lợi nhiều.
Hiện, đa phần vải và các phụ liệu khác đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, ASEAN – những thị trường chưa ký được FTA với EU. Việt Nam vẫn phải chờ ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may phát triển.
Chưa kể, Việt Nam sẽ trở thành nơi trung chuyển hàng hóa, khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may của Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế quan rất lớn. Các mặt hàng thuế về 0% thay bằng 9,6% bình quân như hiện nay.
Việc các nước không có hiệp định với EU sẽ tranh thủ cơ hội này để chuyển hàng hóa sang Việt Nam để làm thủ tục xuất đi EU thay bằng xuất đi từ chính các nước đó. Như vậy, giá trị gia tăng Việt Nam sẽ không được hưởng lợi như đúng tinh thần của Hiệp định mang lại.
Không riêng EVFTA, nhìn một cách tổng thể, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, lo lắng về khả năng hấp thụ các cơ hội mà FTA đem lại cho DN.
Đầu năm 2019, CPTPP chính thức có hiệu lực, đầu năm 2020, khả năng EVFTA có hiệu lực, tiếp đó là RCEP, chưa kể các FTA trước đó đã được thực thi. Như vậy, số lượng FTA khổng lồ cùng lúc đến Việt Nam. Điều này giống với việc có nhiều thang thuốc bổ vào cơ thể nhưng cơ thể khỏe mới hấp thụ tốt, còn yếu thì tác dụng thuốc sẽ đi ngược.
Nhắc lại bài học khi tham gia WTO, ông Khanh cho hay năm 2007, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn, thu hút dòng vốn FDI khổng lồ. Tuy nhiên, cuối cùng không có đủ khả năng hấp thụ, dẫn tới bong bóng tài chính, bất động sản xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho rằng đây là câu chuyện “con gà, quả trứng”. Nếu DN thấy cơ hội chắc chắn họ sẽ tham gia. EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng kim ngạch XK. Tuy nhiên đây chỉ là tính toán trên suy đoán rằng Việt Nam có thể tận dụng được tất cả cơ hội, còn thực tế tận dụng cơ hội đến đâu lại là chuyện khác.
Nhiều cơ hội mở ra với ngành may mặc từ các FTA |
Nỗ lực từ hai phía
Năm 2018, trung bình tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA của DN Việt Nam chỉ là 39%. Nói cách khác trong 10 cơ hội, DN chỉ tận dụng được 4. Đây là câu chuyện thương mại hàng hóa, chưa nói tới thương mại dịch vụ và thể chế.
Bà Trang cho biết 84% DN nói rằng thiếu thông tin về FTA, một phần do Bộ Công Thương chưa có đầu mối thông tin, đồng thời bản thân DN cũng chưa chủ động tìm hiểu.
Về phía Bộ Công Thương, ông Khanh cho biết điều khiến ông lo ngại nhất là sự chủ động ứng phó với hội nhập. Khi CPTPP có hiệu lực, Thủ tướng ban hành Quyết định thực thi CPTPP, yêu cầu các bộ ngành, cơ quan xây dựng kế hoạch hành động gửi về Bộ Công Thương tổng hợp, song đến ngày 12/4, Bộ vẫn chưa nhận được đầy đủ báo cáo. Cùng với đó, DN vẫn chưa có sự chủ động tìm hiểu thông tin.
Riêng với EVFTA, Bộ Công Thương vừa qua có nhận được một số câu hỏi của DN đề nghị mã số HS của mặt hàng nào có thuế về 0%, quy tắc xuất xứ của mặt hàng như thế nào. Tuy nhiên, DN không hiểu rằng biết được quy tắc xuất xứ không có nghĩa ngay ngày mai DN bán được hàng sang EU mà còn nhiều quy định khác như hàng rào kỹ thuật.
Đặc biệt, DN do người Việt Nam sở hữu có mức độ tận dụng quy tắc xuất xứ trong CPTPP nói riêng và các FTA nói chung không nhiều. Câu hỏi mà Bộ Công Thương nhận được chủ yếu là của DN FDI.
“Tại sao chúng ta cứ kêu DN FDI được lợi mà không thấy sự chủ động của họ rất giỏi. Đây là điều DN Việt Nam phải nhìn lại, xem mình đã chủ động chưa. Vấn đề này được nêu rất nhiều nhưng sự tiến triển không đáng kể”, ông Khanh nhấn mạnh.
Để nâng cao kiến thức về FTA, ông Khanh cho rằng giống như học tập phải có từ hai phía là thầy giáo phải nhiệt tình, có kiến thức tốt và học sinh cũng phải chăm chú lắng nghe.
Song mặt khác, đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, thời gian qua, các hội thảo về FTA quá nhiều nhưng thường ở mức độ chung chung. DN đến hội thảo nhận được thông tin mang tính chất chiến lược, lợi ích, cơ hội tổng thể nhưng hội thảo tập huấn 1-2 ngày, hướng dẫn DN về thuế, quy tắc xuất xứ, hướng dẫn từ lúc xuất hàng đi đến khi thu tiền về rất ít.
Đại diện VCCI cho biết thậm chí có những chương trình tập huấn được đài thọ chi phí cũng rất khó thu hút DN tham gia. Vừa qua, phía Phần Lan chi tiền mời chuyên gia nước mình sang Việt Nam giới thiệu cho DN Việt cách XK hàng sang đó, nhất là nông sản. Tuy nhiên, VCCI rất khó mời DN Việt Nam tham gia, “nhiều khi cứ như đi xin DN”. Nguyên nhân là do DN ngại mất thời gian vì phải điền thông tin DN cần, có và muốn gì.
Theo ông Florian Beranek, chuyên gia trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội của DN và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm, DN muốn bán sản phẩm ra thị trường thì phải hiểu thị trường, biết khách hàng kỳ vọng những gì. Như một đôi giày, người ta không chỉ quan tâm đến keo dán sử dụng dán giầy mà còn quan tâm tới sản xuất của DN có gây tác động xấu tới môi trường không, không tuyển dụng lao động trẻ em…
“Hiện nay, khi nói tới EVFTA, chúng ta hay nói tới con đường một chiều tuyệt vời cho các nhà XK Việt Nam nhưng thực tế EVFTA là thỏa thuận hai chiều, các sản phẩm châu Âu cũng sẽ đến Việt Nam với những nhãn hiệu nổi tiếng, giá rẻ sẽ cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam ngay trên sân nhà”, ông Florian nói.
Vì vậy, ông Florian cho rằng DN hãy thức tỉnh vì sẽ không có ai là quá nhỏ để không chịu tác động từ FTA, các DN sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm, dịch vụ châu Âu cũng như các nước khác.
Trong tất cả chương trình tập huấn, hỗ trợ của hiệp hội đều nhắm tới mục đích giúp DN có khả năng chống chịu tốt hơn, tìm được khách hàng. Nhưng cuối cùng vẫn là công việc của DN.
Lê Thúy
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Hội nhập sẽ không thành công nếu DN vừa và nhỏ không hưởng lợi. Vì vậy, phải kết nối, gắn kết giữa DN Việt Nam với DN FDI. Làm sao để Việt Nam không chỉ là một nơi gia công XK. Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã đứng chân vào khâu nghiên cứu, phát triển chứ không chỉ lắp ráp. Đó là con đường mà chúng ta phải đi. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên Bộ Công Thương đang lên kế hoạch để tập huấn cho DN về Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên có một vấn đề từ các FTA trước là sau khi lên kế hoạch xây dựng khoá tập huấn 2-3 ngày, ban đầu số lượng DN tham gia nhiều nhưng đi đến phần xây dựng bài tập tình huống, hướng dẫn chi tiết lại có rất ít DN tham gia. Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Dệt may Hồ Gươm Để được hưởng các ưu đãi về thuế, không còn cách nào khác là các DN dệt may phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Ngành sản xuất vải sẽ là ngành cần được ưu tiên và được các DN đặc biệt chú trọng và cân nhắc khi đầu tư. Để các sản phẩm may mặc của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế, các DN không đi chuyên sâu và sản xuất vải hoặc phụ liệu khác sẽ phải tìm cách tạo ra các liên doanh liên kết, tạo ra các chuỗi giá trị để đảm bảo đủ các yếu tố cần thiết như Hiệp định yêu cầu. |