Theo báo cáo phân tích của công ty CP chứng khoán Đại Nam (DNSE), năm nay chưa có nhiều đột biến đối với các doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam. Những hiệp định tự do thương mại (FTA) hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa thể tác động mạnh mẽ tới xuất khẩu (XK) thủy sản.
Vẫn lo xuất xứ
Theo DNSE, hàng rào thuế Chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan khác ngăn Việt Nam được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan của các FTA. Các quy định về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc tại các thị trường XK chính ngày càng khắt khe khiến cho việc XK thủy sản của Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
Như chia sẻ mới đây của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với giới DN thuỷ sản ở các tỉnh, thành phía Nam về các FTA thế hệ mới như CPTPP hay FTA Việt Nam – EU (EVFTA), thách thức trong các FTA thế hệ mới đối với XK thuỷ sản là Quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng (đối với thủy sản nhập khẩu nguyên liệu về chế biến).
Bên cạnh đó, theo bà Trang, về cơ bản cam kết trong các FTA mới không giúp gỡ bỏ hay giảm bớt các Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS).
“Cam kết EVFTA và CPTPP làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan tới đánh bắt hải sản. Trong khi đó, sức cạnh tranh của sản phẩm nằm ở nhiều khía cạnh phi cam kết như chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp…”, bà Trang nhấn mạnh.
Chưa kể, vị giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập còn lưu ý ngành thuỷ sản sẽ gặp thách thức từ nhập khẩu (NK). Đơn cử như sức ép cạnh tranh đối với thủy sản (đặc biệt là thủy sản chế biến) từ EU và CPTPP trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó là các yếu tố mới làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt Nam (ví dụ an toàn thực phẩm, mẫu mã…)
Khuyến nghị cho ngành thuỷ sản Việt liên quan EVFTA và CPTPP, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Vasep.Pro, nhấn mạnh rào cản phi thuế quan, SPS, TBT vẫn thuộc quyền của nước nhập khẩu.
Dành lời khuyên cho các DN XK thuỷ sản, bà Hằng khuyến nghị các DN cần hiểu, áp dụng linh hoạt và trung thực quy tắc xuất xứ. Hơn nữa, cần nâng cao sức cạnh tranh của DN và sản phẩm XK, nắm bắt thông tin quy định và rào cản thị trường.
Còn nhiều thách thức để thuỷ sản Việt tận dụng các FTA thế hệ mới |
Tự chủ nguồn nguyên liệu
“Các DN thuỷ sản nên chuẩn bị và đối phó kịp thời với các tranh chấp thương mại, cũng như chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu. Nhất là nắm vững cam kết của Việt Nam và cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường các nước tham gia FTA”, bà Hằng chia sẻ.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng các rào cản kỹ thuật trong các FTA mới sẽ không phải quá bất lợi đối với các DN thuỷ sản lớn, khi mà họ chủ động được nguồn gốc con giống và quy trình giám sát chất lượng nghiêm ngặt.
Ngoài ra, số liệu từ Tổng cục Thuỷ sản cho thấy đang có sự chuyển biến tích cực triển khai áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và kiểm soát an toàn thực phẩm. Đến nay, trong ngành hàng thuỷ sản đã có 5.174 ha diện tích nuôi được cấp Giấy chứng nhận GAP. Trong đó, diện tích nuôi cá tra áp dụng VietGAP là 1.847 ha, tôm chân trắng 1.432 ha, áp dụng GAP khác (GlobalGAP, ASC, BAP…) là 1.894 ha.
Bên cạnh những thách thức như đã nêu thì con đường bước vào các thị trường FTA mới vẫn luôn mở ra cơ hội đối với những DN mạnh dạn đổi mới công nghệ và chu trình nuôi, sản phẩm đặc biệt.
Nhất là với những DN thuỷ sản đã hoàn thiện chuỗi giá trị và quy trình kiểm soát chất lượng. Bởi lẽ, đây là điểm yếu nhất và là lý do khiến các sản phẩm thủy sản Việt Nam có giá trị gia tăng rất thấp và thường xuyên gặp khó tại các thị trường cao cấp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, mục tiêu trong những tháng cuối năm 2019 của ngành thuỷ sản là tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,69%, kim ngạch XK đạt 10,5 tỷ USD. Hơn nữa, với thị trường EU, từ nay đến cuối tháng 10/2019, ngành thủy sản sẽ phải tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung cao nhất khắc phục các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC) nhằm sớm gỡ thẻ vàng.
Thực tế cho thấy, để “đón sóng” EVFTA hay CPTPP thì một vài DN lớn đã và đang đầu tư phát triển chuỗi giá trị khép kín nhằm giúp khả năng tự chủ cao, tự phát triển kênh phân phối tại các nước NK.
Đơn cử như nguồn nguyên liệu thuỷ sản, có những DN đầu ngành hiện nay đã chủ động đầu tư xây dựng vườn ươm giống với các thiết bị công nghệ hiện đại, giúp cho họ tự chủ được 50- 100% nguồn cá nguyên liệu va 10-30% nguồn tôm nguyên liệu.
Hay như thức ăn chăn nuôi thuỷ sản, thay vì NK 100% như trước kia với giá rất cao, thì hiện nay nhiều DN thuỷ sản trong nước đã cung cấp được 35% nhu cầu, một số DN có thể đáp ứng 100% nhu cầu cũng như bán ra ngoài giúp bình ổn giá cũng như kiểm soát hàm lượng các chất.
Thế Vinh