Trong một hội thảo về cơ hội và thách thức ngành nông nghiệp mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) không đồng nghĩa là giấy phép, là visa xuất khẩu (XK) cho các loại hàng hóa Việt Nam. Cam kết FTA cũng sẽ không xóa bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm…
Nhiều FTA vẫn tắc đầu ra
Việt Nam không những phải bảo đảm tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn phải bảo đảm tiêu chuẩn về xã hội, lao động, sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ, minh bạch hóa thông tin.
Cho đến đầu năm nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được thực thi và các thị trường ASEAN, EU, CPTPP chiếm 34,8% tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản, trong đó tốc độ tăng trưởng XK vào thị trường EU là 6,15% và vào thị trường CPTPP là 7,2%/năm.
Ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU ký kết FTA Việt Nam – EU (EVFTA), cùng với CPTPP đã có hiệu lực ngày 14/1/2019 trở thành cơ hội vàng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc tốp đầu thế giới như XK cà phê thứ 2 thế giới, gạo thứ 3, thủy sản đứng thứ 4, đồ gỗ thứ 5… Các FTA, trong đó có CPTPP và EVFTA là cơ hội để gia tăng XK, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn nữa, cũng như nâng cao giá trị của các ngành sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành công thương cũng cho rằng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta lạc quan hoàn toàn, vì ai cũng biết nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu thương mại trên thế giới. EU hay CPTPP lại là thị trường rất khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn cao cho nông sản.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đến nay vẫn chưa thể đưa nông sản của mình tiếp cận các thị trường mà FTA đã có hiệu lực.
Bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc công ty Nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải, cho hay DN đang có 2ha nuôi tôm công nghiệp và ở Móng Cái (Quảng Ninh) có khoảng 100ha nhưng thật đáng buồn vì giá tôm thường xuyên thay đổi, mất giá, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là năm 2019, tôm bị mất giá, giảm khoảng 1/3 giá trị so với hàng năm.
Nguyên nhân là do đầu ra của các DN đến nay chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Dù CPTPP có hiệu lực hơn 6 tháng nhưng bà Dịu vẫn khá mù mờ về thông tin.
“Tôi được biết CPTPP có thể mang lại nhiều cơ hội cho ngành XK, tuy nhiên không biết tôm Việt Nam có thể vào được thị trường CPTPP và làm thế nào để cạnh tranh được với các nước khác”, bà Dịu nói.
Bà Dịu băn khoăn: Khi tham gia CPTPP, áp lực cạnh tranh lớn, sản phẩm tôm Việt Nam phải cạnh tranh với các nước có thế mạnh về khoa học, công nghệ, tài nguyên, vậy cơ quan chức năng nói chung và Bộ Công Thương có giải pháp gì giúp DN.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thà, nông dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết người nông dân hiện nay gặp khó khăn từ quy trình sản xuất đến chế biến, thị trường đầu ra.
CPTPP được xem là cơ hội vàng cho XK tôm nhưng nhiều DN chưa thể tận dụng |
Muốn cạnh tranh phải chuyên nghiệp
Bà Thà chia sẻ: “Cơ quan chức năng có thể cho nông dân biết thị trường nào để tiêu thụ quả na. Đồng thời, có cách nào chế biến quả na để XK vừa mang lại giá trị gia tăng lớn, vừa ổn định cuộc sống cho người nông dân. Tham gia CPTPP, EVFTA đòi hỏi cao hơn chi phí đầu tư công nghệ. Vậy, Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ người nông dân?”.
Theo ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, Việt Nam là nơi có ngành nông lâm thủy sản phát triển rất mạnh, nhưng việc tìm một đối tác phù hợp vô cùng khó khăn. Nhiều DN Hàn Quốc đã mất 5 – 6 năm mới có thể tìm được một đối tác phù hợp.
Việt Nam có lợi thế về rất nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản nhưng lại không thể đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của Hàn Quốc nếu muốn hợp tác làm ăn. Đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các DN, các đối tác cũng rất khó do nhiều DN Việt chưa có cách làm ăn bài bản, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế, ví dụ chuối có dán tem, ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng người ta vẫn không tin tưởng vì không có thương hiệu Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, hiện đang có những lầm tưởng về nông sản. Đó là nông sản của Việt Nam nếu sản xuất đúng quy chuẩn quốc tế thì không rẻ. Thương mại nông sản trong nước rất khác với quốc tế, chúng ta đang đánh giá hàng nông sản bằng cảm quan, chưa quan tâm đâu là nơi sản xuất ra sản phẩm. Vì vậy, rất nhiều người nông dân nghĩ rằng sản phẩm bán được ở trong nước, ắt sẽ bán được ở quốc tế.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP tập đoàn ThaiBinh Seed, nhận định trong CPTPP, ngành nông nghiệp Việt Nam đối diện nhiều thách thức lớn. Trong số 11 quốc gia tham gia CPTPP, Việt Nam là quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp ở mức thấp nhất. Vì vậy, để tăng tính cạnh tranh, có những vấn đề mà Việt Nam cần thay đổi.
Trong đó, hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt mà CPTPP đề ra.
Đồng thời, chú trọng liên kết DN với DN, cùng với liên kết 4 nhà mà Chính phủ thường nhắc đến. Từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và XK, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, thay đổi cơ chế chính sách Nhà nước theo hướng ổn định, hiệu quả và minh bạch. Chính phủ cần phối hợp với DN đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh.
Ông Hong Sun kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quản được lâu dài hơn. Hiện nay, nông dân Việt Nam trồng được quả thanh long rất ngon nhưng lại không bảo quản được lâu nên rất khó XK đến các thị trường xa trên toàn thế giới.
Đặc biệt, ông Hong Sun cho rằng quan trọng nhất là phải giữ được uy tín khi hợp tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài.
Lê Thúy
Ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế Cơ hội của CPTPP đối với nông sản của Việt Nam rất lớn, cho nên chúng ta hãy đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số và chất lượng của hàng nông sản Việt Nam, giảm bớt các thủ tục, chi phí cho DN, như vậy sẽ đưa được nông sản của Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Để đẩy mạnh XK nông sản, các bộ, ban ngành, DN, HTX phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản, phổ cập và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo phương châm khẩn trương tích cực nhưng không nôn nóng. Đặc biệt cần coi trọng xây dựng thương hiệu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi quá trình phải là một khâu xây dựng thương hiệu trên cơ sở sản phẩm sạch, giống chất lượng, quy trình bài bản. Ông Nguyễn Đăng Cường - Giám đốc công ty TNHH Lucavi Người nông dân rất mong Chính phủ cũng như các bộ ngành có những mô hình, công nghệ chế biến mới để giúp nông dân gắn kết với nhau vượt qua những khó khăn. Mở cửa hội nhập, Nhà nước phải cho chúng tôi những thông tin về hội nhập, xin đừng bỏ rơi nông dân, các hộ kinh doanh, HTX nhỏ, siêu nhỏ. |