Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết trong tháng 9 này sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Hải quan Tp.HCM đồng tổ chức phiên tập huấn hải quan trực tuyến 2020.
Cập nhật “cửa” hải quan
Mục tiêu của hoạt động này là nhằm cập nhật những quy định và quy trình hải quan mới nhất trong EVFTA, những nội dung về Hệ thống hài hòa (HS Codes).
Các doanh nghiệp (DN) thành viên của EuroCham vẫn còn quan ngại về danh mục hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu với rủi ro về phân loại hàng hóa vì không có quy tắc lý giải việc phân loại nào cũng như trích dẫn quy định pháp luật được áp dụng khi các quyết định phân loại mã số HS được ban hành.
DN Việt cần linh hoạt điều chỉnh sản xuất, tuân thủ quy tắc xuất xứ để tối đa hóa lợi ích trong EVFTA. |
Mới đây nhất, Cục Hải quan Tp.HCM cũng đã có buổi tập huấn cho các DN châu Âu về quy tắc xuất xứ hàng hoá trong EVFTA với những lưu ý quan trọng, trong đó có vấn đề về nguyên tắc cộng gộp đối với nguyên liệu có xuất xứ từ nước không phải thành viên EVFTA.
Không chỉ các DN thành viên của EuroCham, mà các DN Việt cũng quan tâm cập nhật từ “cửa” hải quan trong việc tận dụng ưu đãi EVFTA, nhất là về quy tắc xuất xứ, phân loại hàng hoá, thông quan và cho hưởng ưu đãi thuế.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để triển khai hiệu quả ưu đãi thuế theo EVFTA thì rất cần tâm thế và cách xử lý linh hoạt, tất nhiên đảm bảo đúng pháp luật của các cơ quan thực thi, trong đó có cơ quan hải quan.
Bà Trang cũng mong các DN cần chủ động trong tìm hiểu các cơ hội thuế quan ưu đãi đặc biệt từ EVFTA và thực hiện các chuẩn bị cần thiết để đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi.
Đặc biệt là với vấn đề xuất xứ hàng hoá. Các DN cần tối đa hóa lợi ích từ việc giảm thuế ưu đãi bằng việc tuân thủ quy tắc xuất xứ khi mà EVFTA có những quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ.
Số liệu công bố ngày 3/9 từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy trong vòng một tháng kể từ ngày 1/8 đến hết 31/8/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan...
Cục Xuất nhập khẩu cho biết thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh Quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Linh hoạt điều chỉnh sản xuất
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN tận dụng cơ hội từ EVFTA, hiện đại hóa công tác cấp C/O, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Thực tế số liệu cấp C/O mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của DN cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với XK của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam nên áp dụng chế độ tự chứng nhận xuất xứ để tạo điều kiện cho các DN được hưởng mức thuế ưu đãi áp dụng theo EVFTA, đồng thời giảm chi phí về hồ sơ chứng từ.
Trong quy định hiện hành của EU, các nhà XK của EU có thể tự chứng nhận trong trường hợp lô hàng không vượt quá giá trị 6.000 Euro hoặc và sử dụng giấy chứng nhận do hải quan EU cấp.
Trong tương lai, EU có thể chuyển sang hệ thống tự chứng nhận xuất xứ (REX). Các nhà XK Việt Nam hiện đang sử dụng C/O do Bộ Công Thương hoặc các cơ quan được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Vào tháng 6/2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT về quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Theo đó, các DN Việt Nam XK hàng hóa sang EU có giá xuất xưởng không quá 6.000 Euro sẽ được phép tự chứng nhận.
Đối với các lô hàng XK có trị giá trên 6.000 Euro, nhà XK phải có C/O mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Giới chuyên gia cho rằng, các DN Việt cần nhận thức đầy đủ về tính linh hoạt được quy định trong EVFTA để tận dụng tối đa lợi ích của Hiệp định. Ví dụ, các DN nên áp dụng trường hợp cộng gộp, nếu nhà sản xuất dệt may EU có thể cung cấp cho các nhà sản xuất hàng may mặc Việt Nam các loại vải có nguồn gốc từ EU, hoặc nhà sản xuất Hàn Quốc cung cấp vải được sử dụng để sản xuất hàng may mặc sau khi tuân thủ một số yêu cầu nhất định.
Ngoài ra, một giải pháp quan trọng không kém là cần có các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức để DN Việt Nam nắm rõ hậu quả nghiêm trọng của việc vi phạm quy tắc xuất xứ.
Để tiếp tục tận dụng ưu đãi EVFTA sau tháng đầu tiên có hiệu lực đòi hỏi các DN Việt phải nắm vững các quy định, công thức tính toán của từng quy tắc xuất xứ ưu đãi liên quan đến ngành hàng của mình. Nhất là phải “linh hoạt điều chỉnh” cơ cấu sản xuất phù hợp với chuỗi cung ứng sản xuất và nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào.
Thế Vinh