Ở sự kiện mới diễn ra ở TP.HCM nhằm thúc đẩy xuất khẩu (XK) hàng Việt vào EU thông qua tận dụng EVFTA, một đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có nhắc đến sản phẩm nước ép trái cây của CTCP Vườn Trái Cây Cửu Long (Les Verger du Mekong, đóng tại TP Cần Thơ) như một ví dụ điển hình cho việc gia tăng giá trị nông sản Việt khi XK.
Xem cách làm của “ông Tây”
Qua tìm hiểu được biết công ty này hàng năm sản xuất hàng nghìn tấn trái cây từ nguồn nguyên liệu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên.
Để tận dụng EVFTA đòi hỏi nông sản Việt cần xem xét tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất |
Công ty đã XK sản phẩm chủ lực là các loại nước ép trái cây (khoảng 20 loại nước ép như: nước ép chanh, chanh dây, ổi, dứa, sơ ri, cam…) đi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là vào thị trường khó tính như EU.
Điểm đáng chú ý, khi người sáng lập doanh nghiệp (DN) này lại là một “ông Tây” Jean-Luc Voisin - vốn là một kỹ sư thực phẩm người Pháp. Và ông biết cách để áp dụng kỹ thuật, máy móc để sản xuất nước ép trái cây cũng như các món thường dùng theo tiêu chuẩn phương Tây. Điểm mấu chốt nằm ở cách công ty nhìn ra thị trường tiềm năng để khai phá.
Đặc biệt là việc chọn các khách sạn 5 sao để mời chào sản phẩm và 80% sản phẩm của công ty hiện được tiêu thụ tại nhà hàng, khách sạn và dịch vụ thực phẩm; 20% còn lại tiêu thụ qua các kênh bán lẻ hiện đại.
Mặt khác, đó còn là sự lọc lõi trong việc phát triển chuỗi cung ứng, nông trại sạch, xây dựng thương hiệu, khả năng bán hàng…
Không những vậy, ông chủ Jean-Luc Voisin có mối quan hệ cực tốt với nông dân. Ông còn cung cấp smartphone cho nông dân ở ĐBSCL để sử dụng ứng dụng giúp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Có thể thấy, “trái ngọt” ở ĐBSCL đã nâng giá trị với cách làm như vậy, được thị trường EU đánh giá cao, rất đáng để các DN XK nông sản vào EU học hỏi, đặc biệt là vấn đề làm thế nào để nông sản Việt có thể gia tăng giá trị chuỗi cung ứng thông qua EVFTA.
Trả lời về vấn đề này, Ts. John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT, cho rằng nhiều khả năng sẽ có những "làn sóng" XK hàng hóa mới từ DN Việt nỗ lực đưa hàng hoá sang thị trường EU. Nhưng mặt hấp dẫn hơn là cũng sẽ có nhiều nhà đầu tư châu Âu chủ động tìm kiếm sản phẩm Việt phù hợp, có thể bán chạy ở châu Âu.
“Trong những trường hợp đó, các nhà đầu tư có thể tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện các vấn đề chất lượng và thương hiệu nhằm đưa nông dân Việt Nam vào quy trình XK một cách tương đối thuận lợi, nhưng điều này đi kèm với rủi ro mất lợi nhuận”, ông John nói.
Nhắm đến các tiêu chuẩn cao nhất
Do đó, theo chuyên gia của RMIT, quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, cũng như DN vừa và nhỏ trong nước, để giúp nâng cao tiêu chuẩn địa phương, điều chỉnh phương thức sản xuất trong nước và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng mới có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.
Và để đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho XK vào EU, nhà sản xuất Việt cần xem xét tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất. Điều hợp lý cần làm là nhắm đến các tiêu chuẩn cao nhất nhằm đảm bảo sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường EU.
Cũng theo Ts. John Walsh, trước những diễn biến mới như EVFTA hay Covid-19 thì “tư duy và quản lý thông minh” có thể giúp các vùng miền ở Việt Nam làm mới bản thân với những sản phẩm nông sản cao cấp.
Điều này có thể tham khảo cách làm của Nhật Bản với đảo Hokkaido là một ví dụ điển hình.
Là vùng nông nghiệp, Hokkaido từng bị tụt hậu trong quá trình hiện đại hóa công nghiệp ở Nhật Bản. Để thúc đẩy kinh tế địa phương, nền nông nghiệp cơ bản được bổ trợ bởi việc nghiên cứu những sản phẩm mới, trong đó có rượu vang, sô cô la, phô mai và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao khác, chưa từng thấy ở Nhật Bản. Cũng nhờ vậy mà du lịch ở Hokkaido đã khởi sắc.
Liên hệ lại thực tế ở Việt Nam, có thể thấy đã có một số dự án sản xuất địa phương đáng chú ý và có tiềm năng cạnh tranh quốc tế, như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trồng nhân sâm.
“Các nhà sản xuất có thể vừa đổi mới sản phẩm, vừa thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường châu Âu, đồng thời tìm cách vượt qua những biến động của đại dịch. Hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương là rất quan trọng để hiện thực hóa điều này”, Ts. John nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, việc tận dụng EVFTA đối với nông sản Việt không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng XK mà còn giúp ngành hàng này đẩy mạnh tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tạo giá trị gia tăng cho nông sản cũng như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, tiếp cận kênh phân phối, xây dựng thương hiệu...
Như lưu ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dù EVFTA có nhiều ưu đãi thì để XK một cách bền vững, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất lại để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Thế Vinh