Theo báo cáo, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên thứ 42/129 nền kinh tế trên thế giới được xếp hạng. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay. Trong khi đó, những quốc gia xuất hiện trong top đầu vẫn là những cái tên quen thuộc như Thụy Sĩ, Mỹ, Anh, Phần Lan, Hà Lan.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Công Tạc khẳng định trong những năm qua, lực lượng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có những đóng góp cả trực tiếp lẫn gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, trong đó có một số lĩnh vực nổi bật như y tế, nông nghiệp và một số ngành công nghiệp.
Giai đoạn hiện nay, dư địa tăng trưởng dựa trên vốn, lao động giá rẻ đang dần thu hẹp. Để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam đang chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, cách tiếp cận của GII là hết sức phù hợp. Hiện, Chính phủ Việt Nam đã phân công các bộ ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện từng chỉ số trong GII.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: TTXVN) |
Về phần mình, ông Sacha Wunsch-Vincent, đồng tác giả báo cáo GII, Trưởng bộ phận kinh tế và thống kê của WIPO, đánh giá Việt Nam là quốc gia hình mẫu trong số các quốc gia mà WIPO khảo sát theo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong 3 năm qua.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã triển khai sự hợp tác sâu rộng với nhiều nước, trong đó có Việt Nam để cải thiện hiệu quả chính sách đổi mới sáng tạo. Tôi có thể nói rằng Việt Nam là quốc gia chủ động và tích cực nhất trong những nước này. Và các nỗ lực của các bạn đã mang lại những thành quả. Việt Nam đã liên tục được thăng hạng trong những năm qua".
Chỉ số GII đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế trên thế giới. 80 tiểu chỉ số của GII cung cấp một tầm nhìn sâu rộng về hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có môi trường chính trị, giáo dục, cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển kinh doanh. Trong bảng xếp hạng GII năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2017.
Vũ Trọng