Với xếp hạng này, Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86. Cụ thể, về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2020 đạt 0,6667 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988), của khu vực châu Á (0,6373) cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6321).
Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử. Ảnh: Internet |
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ nguyên vị trí như năm 2018, xếp thứ 6 trong 11 nước, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Philippines.
Về các chỉ số thành phần, cũng như các năm trước, chỉ số EGDI được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần: Chỉ số hạ tầng viễn thông (TII); chỉ số nguồn nhân lực (HCI); chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI).
Vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi tương đối lớn. Chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh, xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; chỉ số nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018; chỉ số dịch vụ trực tuyến xếp thứ 81, bị giảm 22 bậc so với năm 2018, xếp thứ 59.
Mặc dù chỉ số dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam năm 2020 giảm mạnh, nhưng theo Báo cáo xếp hạng của Liên hợp quốc, việc khảo sát các dịch vụ trực tuyến để đánh giá đã diễn ra khá lâu (từ tháng 6-2019 đến tháng 9-2019).
Hiện, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của các cơ quan nhà nước, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3,4) được các bộ, ngành, địa phương cung cấp tăng mạnh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4...
T.H