Đây là trăn trở mà bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutrimart đặt ra tại Hội nghị hướng tới thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 20/11.
Thiếu nhà sơ chế, nông sản khó đi xa
Hiện, nhiều loại rau quả, trái cây như cam, bưởi, rau quả vụ Đông... đã và đang bước vào vụ thu hoạch. Do vậy, các địa phương, bà con nông dân lại đang đứng trước thách thức lớn về giải quyết câu chuyện đầu ra.
Nhiều địa phương miền Bắc đang bước vào vụ thu hoạch cam. |
Bà Kiều Thị Huệ, Giám đốc HTX rau an toàn Vĩnh Phúc cho biết, HTX có đủ khả năng cung ứng cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Hàng năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 100 nghìn tấn rau củ các loại. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình hữu cơ.
Tuy nhiên, HTX chủ yếu tiêu thụ thông qua các thương lái, bán trên mạng xã hội, Zalo, sàn thương mại điện tử... "Vì vậy, chúng tôi mong muốn được kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn để ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm", bà Huệ chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutrimart, đánh giá tiêu thụ nông sản tươi là vấn đề rất nhức nhối khi số lượng rất lớn song luôn gặp phải tình trạng khó tìm kiếm đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu, hệ thống siêu thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng đầu vào đạt chất lượng.
Chưa bàn tới các tiêu chuẩn khắt khe, một nguyên nhân gặp phải đầu tiên là ở vùng trồng không có nhà sơ chế nên không có khâu sơ chế nông sản trước khi đưa vào siêu thị. Doanh nghiệp nào có sơ chế thì hàng hoá đã vào siêu thị.
"HTX có diện tích rất rộng, tại sao chúng ta không hỗ trợ để họ xây dựng các nhà sơ chế, đóng gói, sấy khô, sấy dẻo sản phẩm. Điều này sẽ giúp giải quyết được bài toán sơ chế cũng như doanh nghiệp làm việc với nông dân thông qua đầu mối là HTX", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, một hộ nông dân không thể đầu tư dàn máy sơ chế đắt tiền, hệ thống nhà xưởng đạt tiêu chuẩn mà cần liên kết với nhau trong một HTX, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng các nhà sơ chế. Điều này sẽ giải quyết căn cơ câu chuyện, doanh nghiệp thì khát hàng mà nông sản thì ế ẩm. Người nông dân không còn cảnh phải lấy công làm lãi.
"Bao nhiêu năm nay, chúng ta thấy rằng nông dân sản xuất ra nhiều nông sản nhưng doanh nghiệp thì không có hàng đạt chuẩn, đạt chất lượng để bán. Vì sao câu chuyện quanh quẩn này mãi diễn ra, tại sao không tập trung đẩy mạnh phát triển HTX hơn nữa. Tôi cho rằng, HTX cần hoạt động như doanh nghiệp, giúp người nông dân giải quyết được đầu ra. Mỗi HTX sẽ cung cấp ra loại hàng hóa đặc sản của từng vùng miền", bà Hằng kỳ vọng.
Với kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, bà Hằng cho rằng các địa phương cần đầu tư nhiều hơn vào sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua.
Theo lãnh đạo của Nutrimart, các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, bà Hằng cam kết Nutrimart sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Cần đáp ứng hàng loạt yêu cầu
Đại diện nhà phân phối, ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op, cho hay hiện 90% hàng Việt được kinh doanh tại hệ thống của Saigon Co.op, với gần 1.000 điểm bán. Riêng với mặt hàng rau củ quả thì hàng Việt chiếm toàn bộ kệ hàng của đơn vị này.
Hàng ngày, hệ thống Saigon Co.op tiêu thụ gần 500 tấn hàng nông sản, xu hướng này ngày càng tăng lên. Thay vì kênh tiêu dùng từ chợ truyền thống sang siêu thị ngày càng lớn, đây là cơ hội để hàng nông sản tiếp cận với người tiêu dùng.
Đứng ở vai trò của nhà phân phối, ông Liêm đưa ra các yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản. Trong đó, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Sản phẩm phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Đồng thời, áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi.
Cùng với đó, nông sản phải có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đề cập tới xu hướng và nhu cầu của thị trường về nông sản sinh thái đang tăng cao, không chỉ trong nước mà trên thế giới. Bà Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp sinh thái Ecovi, cho biết DN này đang triển khai tiêu thụ 1.000 tấn cam, bưởi sinh thái. Hiện đơn vị đã xây dựng 500 điểm bán và kết hợp kinh doanh online. Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ nông dân và kết hợp với các DN, HTX làm nông nghiệp sinh thái.
Bà Na nhắc tới một số hộ dân trên Hòa Bình đang cùng Ecovi chuyển đổi 200 ha cam sinh thái, chuyển đổi từ VietGAP hoặc GlobalGAP sang. Tuy nhiên, việc chuyển đổi là “không hề dễ, phải làm từng bước một”.
Nếu vượt qua khó khăn ban đầu, đây là thị trường có tiềm năng. “Ví dụ khi cung cấp trái cây sinh thái cho người tiêu dùng, từ đó khách hàng sẽ quan tâm đến cả thịt, trứng, sữa sinh thái”, bà Na nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đặt vấn đề về tiêu thụ, làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng. Để giải quyết vấn đề này, ông Nam nhấn mạnh cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn tới các trang trại, DN chế biến, DN cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.
“Tôi đề nghị chúng ta nên lưu ý kết nối DN cung ứng thực phẩm, bởi hiện nhu cầu về nguồn thực phẩm rất lớn”, ông Nam nói.
Lê Thúy