Trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước vẫn đang loay hoay trong việc tiếp cận, đưa sản phẩm thâm nhập sâu vào các thị trường trên thế giới.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho nông sản, thực phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài. |
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp này xuất sang EU với giá trị chỉ đứng sau một doanh nghiệp FDI của Việt Nam. Doanh nghiệp có trung tâm chế biến nông sản, thực phẩm tại Ninh Bình, Tây Nguyên, Sơn La.
"Chúng tôi có vùng trồng lớn lên tới hàng nghìn ha, vì vậy doanh nghiệp rất mong muốn các tham tán thương mại hỗ trợ để phát triển thị trường", ông Khuê chia sẻ.
Trong đó, lãnh đạo Đồng Giao mong muốn được tham gia các hội chợ thực phẩm hàng đầu thế giới để tìm kiếm bạn hàng, được hỗ trợ tiếp cận các loại máy móc chế biến thực phẩm...
"Đồng Giao đã và đang đầu tư nhiều nhà máy chế biến ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... Vì vậy, chúng tôi mong muốn các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu khách hàng cung cấp thiết bị, máy móc chế biến nông sản thực phẩm của Đức, Ý... Doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn để được dùng hàng chất lượng", ông nói.
Trước mong muốn của doanh nghiệp, ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho biết các doanh nghiệp của Đức có thể gia tăng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam ở các khâu như sản xuất, chế biến, thanh toán. Sản xuất là cung cấp công nghệ nhân giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc bằng công nghệ tiên tiến; khâu chế biến là cung cấp máy móc giúp gia tăng giá trị, thời gian bảo quản sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường...
Trong khi đó, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho hay để mang lại hiệu quả trong kết nối thì doanh nghiệp cần hiểu rõ thông tin thị trường, văn hoá, thị hiếu, quy định chất lượng vệ sinh an toàn, thông tin về tận dụng ưu đãi thuế quan cũng rất cần thiết. Vai trò của tham tán là cần cập nhật thông tin về yêu cầu khách hàng, mời thêm chuyên gia sở tại, phối hợp Cục Xúc tiến thương mại cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp Việt Nam từng bước nâng cao chất lượng.
Để nâng cao vai trò xúc tiến thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh trao đổi nắm bắt nhu cầu, khó khăn khi nông sản, thực phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài.
Theo đó, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần bám sát diễn biến thị trường thương mại quốc tế, đặc biệt yếu tố mới phát sinh để đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp cho doanh nghiệp, ngành hàng trong nước. Đồng thời triển khai chuỗi chương trình tư vấn cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ nhu cầu thông tin thị trường, khó khăn, kết hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 3,4 tỷ USD, giảm 15,6% so với tháng 10/2020 nhưng tăng 4,2% so với tháng 9/2021. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 12,7%; lâm sản chính đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 22,3%; thủy sản đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 0,8%; chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 42,8% thị phần), châu Mỹ (30,0%), châu Âu (11,4%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,5%).
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 10,8 tỷ USD (chiếm 27,9% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 7,5 tỷ USD (chiếm 19,3% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,4%; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD (chiếm 6,8%).
Thy Lê