Chiều 17/11, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo: "Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Theo ông Lê Hùng Cường, Giám đốc chuyển đổi số, FPT Digital, lúa gạo là mặt hàng nông sản mũi nhọn của Việt Nam. Tuy giảm về lượng, giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam năm 2020 vẫn tăng 9,3%. Đồng thời, cơ cấu gạo xuất khẩu cũng dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá bán và giá trị gia tăng cao hơn như gạo thơm, gạo chất lượng cao.
Nguồn: GSO, World Bank, Phân tích FPT Digital. |
Tuy nhiên, dù giữ vị thế cao về sản lượng và xuất khẩu, lúa gạo Việt Nam chỉ đứng thứ 15 về năng suất trên mỗi ha, đạt chưa tới 50% của top 1. Điều này cho thấy hiệu suất của việc trồng trọt, canh tác vẫn hạn chế, còn nhiều khoảng trần để cải thiện. Đại diện FPT Digital cho rằng, một trong những hướng đi chính để gia tăng năng suất cũng như giá trị nông sản là áp dụng chuyển đổi số và công nghệ.
Đồng thời, trong thời gian tới, FPT Digital đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với các thách thức như hơn 45.000ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trong vụ mùa 2020-2021. Ước tính tổng thiệt hại từ thiên tai cho ngành nông nghiệp Việt Nam ở mức 1,6 tỷ USD trong năm 2020.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. |
Việc đóng góp 36,23% công ăn việc làm cho lực lượng lao động, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành nghề nhưng chỉ chiếm 14,85% GDP cũng cho thấy nông nghiệp là ngành mang tính thủ công cao.
Sự cạnh tranh từ khối ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là lao động trình độ cao sẽ dẫn đến sự thâm hụt về nguồn lao động cho nông nghiệp.
"Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ cần có những bước chuyển dịch tương ứng nhằm tăng hiệu quả trong canh tác, sản xuất để bắt kịp xu thế thị trường, đồng thời phát triển vượt mục tiêu 3,84%/năm. Chuyển đổi số sẽ là nền tảng hỗ trợ quá trình này", ông Cường nhấn mạnh.
Thời gian qua, chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đã bắt đầu từ những công nghệ đơn giản như truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị nông sản cho đến những công nghệ hiện đại cần nhiều đầu tư hơn: Ứng dụng Blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản, IoT kết nối thiết bị, quản lý tự động trong trồng trọt, canh tác cà chua tại Đà Lạt; Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại Long An.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số.
Vì vậy, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần làm rõ tính cấp thiết và tác động của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Từ đó nâng cao nhận thức, tiến tới hành động để triển khai thực hiện các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn.
Đặc biệt là cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, doanh nghiệp và HTX là lực lượng tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao cho người dân ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng. Việc có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ và trình độ quản lý cao là một trong những yếu tố quan trọng.
Thy Lê