Bà Vi Thị Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông sản sạch Lạng Sơn, cho biết do sự phân hóa khí hậu rất rõ giữa các mùa và giữa ngày và đêm nên một số loại rau, quả được trồng tại địa phương sẽ có đặc tính riêng như: lá dày hơn, màu sắc và vị của rau cũng đậm hơn.
Từng bước thay đổi thói quen của người dân
Nhận thấy lợi thế này, HTX đã trồng đa dạng một số loại rau màu như súp lơ baby, cà chua socola, bí bao tử… theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản xuất rau an toàn sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên khi bắt tay vào sản xuất, khó khăn lớn nhất của HTX là làm thế nào để thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân về kỹ thuật canh tác mới, bởi nông dân đã quen với phương pháp sản xuất cũ.
Khi tham gia HTX, các thành viên và các hộ liên kết phải ký cam kết tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng dẫn của HTX. Những người đứng đầu HTX cũng tích cực nghiên cứu, học hỏi các mô hình, tiếp cận với Trung tâm Khoa học Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn) để được tư vấn, hướng dẫn về ứng dụng quy trình VietGAP vào sản xuất.
HTX Nông sản sạch Lạng Sơn chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng rau màu và cải thiện môi trường. |
Đối với nguồn nước phục vụ sản xuất rau ngắn ngày và rau gia vị, HTX phải sử dụng nước giếng khoan, tuyệt đối không sử dụng nước thải sinh hoạt, phân chuồng tươi, các loại nước đã bị nhiễm bẩn hoặc nước thải công nghiệp. Việc tưới rau hiện cũng được đơn giản hóa nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt nên vừa tiết kiệm nước vừa giảm thiểu công lao động.
“Nước tưới cho rau hàng ngày nên nếu không bảo đảm tiêu chuẩn thì chất lượng rau sẽ bị ảnh hưởng, đi kèm với đó là nguồn đất sẽ bị ô nhiễm nên không thể bảo đảm các tiêu chí trong quy trình sản xuất VietGAP”, bà Vi Thị Sáng chia sẻ.
Trong quá trình chăm sóc, HTX ưu tiên sử dụng các loại phân ủ hoai mục kết hợp phân vi sinh, phân hữu cơ được doanh nghiệp cung cấp. Cách làm này không chỉ giúp thành viên giảm thiểu sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu hóa học mà còn giúp nông sản sau khi thu hoạch không bị tồn dư hóa chất độc hại.
Đặc biệt, HTX ưu tiên đầu tư nhà màng để phục vụ trồng rau. Nhà màng giúp hạn chế sâu bệnh, sương giá, cỏ dại, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau và đây cũng là cách giúp HTX ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo các thành viên, sau khi phun thuốc, thuốc vẫn còn tồn đọng trên rau và một phần bị thấm vào đất gây ô nhiễm môi trường lại tốn chi phí. Chính vì vậy, HTX quyết tâm đầu tư nhà màng nhằm sản xuất theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, HTX kiểm soát nghiêm ngặt lượng thuốc bảo vệ thực vật thông qua công tác ghi nhật ký và kiểm tra chéo. Việc này đã nâng cao tính chủ động của người dân trong sản xuất.
Tuy việc sản xuất theo quy trình VietGAP vất vả hơn, nông sản trông có vẻ không đẹp mắt lắm nhưng tính ra, chi phí sản xuất không quá cao, ít gây ô nhiễm môi trường, giá bán lại cao hơn... Từ đó, bà con đã đồng thuận và làm theo.
Trước khi thu hoạch, HTX sẽ mang rau, quả đi xét nghiệm. Nếu nông sản bảo đảm tiêu chuẩn mới được thu hoạch để cung cấp ra thị trường. Hộ nào không đạt tiêu chuẩn sẽ không được HTX hỗ trợ thụ mua. Vì ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nên đến nay, ai cũng tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất và quan tâm đến bảo vệ môi trường.
Hướng đến sản xuất hữu cơ
Vì trồng đa dạng các loại nông sản lại đạt tiêu chuẩn VietGAP nên HTX nhanh chóng trở thành địa chỉ cung cấp nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các nhà hàng, quán ăn.
Ban giám đốc HTX cũng chủ động liên kết với chuỗi cửa hàng, doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu 100% sản phẩm cho thành viên. Đặc biệt, qua quá trình sản xuất của HTX, chất lượng môi trường cũng đã được nâng lên. Người dân đã tuân thủ nghiêm quy trình sử dụng thuốc “4 đúng” và vệ sinh đồng ruộng theo chu kỳ. Nhờ đó, khu vực sản xuất không chỉ cho nông sản sạch mà còn mang lại môi trường xanh.
Áp dụng khoa học kỹ thuật giúp bảo đảm chất lượng nông sản trước khi cung cấp ra thị trường. |
“Biết môi trường đang bị ô nhiễm do việc sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan nên các thành viên đều muốn góp một phần nhỏ bé cùng chính quyền địa phương hướng đến một môi trường sống an toàn”, bà Vi Thị Sáng nói.
Với hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp sạch, ngoài các thành viên, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động và 13-16 lao động thời vụ tại địa phương.
Về định hướng thời gian tới, bà Vi Thị Sáng cho biết mục tiêu của HTX là hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Những hiệu quả bước đầu từ sản xuất theo quy trình VietGAP sẽ là tiền đề để HTX phát triển trong thời gian tiếp theo.
HTX cũng hướng đến mở rộng sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dược liệu, các loại cây ăn quả, cây đặc sản… Và HTX sẽ hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con để bảo đảm phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Như Yến