Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%. Mặc dù vậy, vẫn còn một số lượng hàng Việt chưa thể hoặc thậm chí là không muốn vào kênh phân phối hiện đại.
Ngại thủ tục, chậm được thanh toán
Trong hành trình 10 năm chinh phục người Việt, Công ty Hoa Lan - chuyên sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm thiên nhiên chủ yếu phân phối sản phẩm vào kênh truyền thống thông qua các hiệp hội, hội chợ... Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Đông cho biết, kênh bán lẻ hiện đại cũng đã được công ty tiếp cận nhưng không mang lại nhiều hiệu quả.
Đặc sản vùng miền vẫn tiếp cận với người tiêu dùng theo cách truyền thống. |
Bà Đông chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, doanh nghiệp luôn ở trong tâm thế cần "tiền tươi, thóc thật" để có thể thanh toán chi phí mua nguyên liệu từ nông dân, chiết xuất, chế biến... Tuy nhiên, hàng hóa đưa vào siêu thị thường mất ít nhất 4-5 tháng mới được thanh toán, khiến doanh nghiệp rất khó khăn.
"Sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu ra nước ngoài, đầy đủ giấy tờ truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận chất lượng quốc tế... Tuy vậy, để vào được siêu thị ở Việt Nam, công ty sẽ phải hoàn thiện thêm các giấy tờ, thủ tục khác, nên nói thẳng là chúng tôi không mặn mà", bà Đông chia sẻ.
Cơm cháy Linh Phương là một sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao của tỉnh Ninh Bình, hướng tới mục tiêu toàn cầu. Ông Lê Hữu Hảo, chủ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm Linh Phương cho biết, hiện nay, sản phẩm được đẩy mạnh tiêu thụ thông qua kênh nhà hàng, khách sạn, khu du lịch... Doanh nghiệp không tính tới việc tiếp cận kênh phân phối hiện đại vì thủ tục thanh toán kéo dài, chi phí chiết khấu cao, doanh nghiệp nhỏ sẽ không đủ vốn duy trì sản xuất.
Tương tự, bà Đỗ Thị Kim Thông, Chủ tịch HTX Kim Thông, đang chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm thị trường cho sản phẩm sachi. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu đã được bà thực hiện..., vấn đề cốt lõi nhất ở thị trường Việt Nam là làm sao để người dùng biết tới sản phẩm sachi. Hiện nay, đa phần người dân vẫn chưa hiểu rõ cách dùng, công dụng của hạt sachi. Song khi đề cập tới vấn đề tại sao không tiếp cận kênh siêu thị để nhiều người biết đến, bà Thông cho biết, chưa phải thời điểm thích hợp vì một số vấn đề.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, có thực tế sản phẩm nông sản đạt chứng nhận đạt OCOP nhưng "con đường" để tiếp cận hệ thống bán lẻ không đơn giản, vì còn nhiều giấy tờ khác. Nhà bán lẻ luôn đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu lên hàng đầu. Do vậy, sản phẩm bày bán trong siêu thị phải là hàng đạt chất lượng tốt nhất, đa dạng các sản phẩm..., để làm sao khi người tiêu dùng bước chân vào siêu thị cảm thấy hoàn toàn tin tưởng.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến nghị, sản phẩm OCOP nói riêng và hàng Việt nói chung muốn vào hệ thống siêu thị đều phải cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh sản phẩm đạt yêu cầu. Các nhà sản xuất nên đặc biệt chú trọng đến giấy tờ chứng nhận cho sản phẩm trong thời kỳ còn hạn. "Nhiều khi nhà sản xuất đem bộ chứng từ đầy đủ giấy tờ, nhưng nhìn đến hạn thì đã hết. Đây sẽ là trở ngại để đến với nhà bán lẻ", bà Hậu chia sẻ.
Cần nỗ lực từ hai phía
Với băn khoăn về thời gian thanh toán, từ kinh nghiệm công tác trong ngành bán lẻ, bà Hậu cho rằng, vấn đề này có thể giải quyết được. Những sản phẩm đưa ra thị trường bán tốt thì nhà bán lẻ sẽ có chính sách thanh toán riêng. Còn đối với các sản phẩm cần một quá trình để thu hút người dùng, đòi hỏi nhà bán lẻ phải có chính sách quảng bá riêng, cũng như trưng bày quầy kệ sao cho hấp dẫn người dùng. Nếu gặp phải vướng mắc, hai bên là nhà sản xuất - bán lẻ cần phải cùng ngồi lại với nhau để tìm ra phương thức thanh toán hiệu quả.
"Mọi chuyện đều có thể giải quyết nếu hai bên cùng thiện chí, thay vì người nọ truyền tai người kia một thông tin chưa đúng", bà Hậu phản hồi.
Mặt khác, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, người sản xuất giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc giỏi về kinh doanh - một lỗ hổng lớn mà nhà sản xuất cần phải cải thiện. Việc sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng là rất cần thiết, nhưng việc tạo ra bao bì, tem nhãn thu hút người tiêu dùng cũng quan trọng không kém.
Bà Hậu kể: "Vừa qua, tham gia hội nghị xúc tiến thương mại ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tôi thấy sản phẩm làm ra tốt nhưng người nông dân không biết cách đưa ra thị trường, bao bì đóng gói, nhãn hiệu còn kém hấp dẫn. Đây là điểm yếu của các HTX, doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm ra thị trường".
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc CTCP Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tác động MEVI, doanh nghiệp hiện đang phân phối hơn 200 sản phẩm của trên 60 doanh nghiệp, cho thấy sản xuất nông sản cũng cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị. "Tôi từng chứng kiến bà con ở vùng xoài Yên Châu (Sơn La) đi hái xoài cả ngày chỉ được thù lao vài chục nghìn đồng do thương lái ép giá. Thời gian gần đây, nhờ đẩy mạnh chế biến mà giá trị trái xoài Yên Châu ngày càng được nâng cao, nhiều người dùng biết tới".
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế và xã hội, gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng hàng hóa ngay cả tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua, hàng hóa thiết yếu cho người dân trong nước vẫn được phục vụ thông suốt và đầy đủ, đóng góp lớn vào tăng trưởng dương của ngành bán lẻ Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2020, hàng hóa bán lẻ vẫn có mức tăng trưởng 5%.
Tuy vậy, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng mong muốn Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cần tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX tham gia vào các chuỗi phân phối hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, trong tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hàng Việt cũng cần cải tiến về chất lượng, mẫu mã để người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam.
Lê Thúy