Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 17 vụ phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu và đưa ra 14 biện pháp phòng vệ thương mại. Thông qua việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng, Việt Nam đã bảo vệ được nhiều ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người lao động.
Mù mờ về công cụ
Thế nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp, ngành hàng nào cũng nhận thức được việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đặc biệt là đối với các ngành hàng chế biến lương thực thực phẩm.
Đùi gà nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam. |
Ông Tô Thái Ninh, Trưởng Phòng điều tra bán phá giá và trợ cấp (Cục Phòng vệ thương mại), cho biết qua tìm hiểu, thời gian qua, đơn vị nhận thấy một số sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu được bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất tại nước xuất khẩu. Dẫn tới chăn nuôi trong nước gặp khó khăn, lao đao vì không thể cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi giá rẻ.
Đây là một trong những biểu hiện của việc chống bán phá giá, trợ cấp để cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại tới người chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết chưa nhận được bất cứ hồ sơ hay đề xuất nào về vấn đề này nên không có căn cứ để khởi xướng điều tra.
Câu chuyện lấn cấn sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng xảy ra với ngành mía đường. Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan trong ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 820.000 tấn, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ 2019.
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm gần 92% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 750.000 tấn trong 7 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2019 chỉ là 104.000 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn).
Bộ Công Thương cho biết đã phân tích kỹ ưu, nhược điểm của từng biện pháp, đồng thời khuyến nghị ngành mía đường đi theo hướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Tuy nhiên, do biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chỉ áp dụng với Thái Lan nên ngành mía đường cho rằng vẫn tồn tại nguy cơ một số doanh nghiệp nhập khẩu đường thô từ Thái Lan về Lào, Campuchia để tinh luyện rồi xuất khẩu sang Việt Nam nhằm lẩn tránh phòng vệ thương mại. Từ đây, ngành mía đường mong muốn đề xuất áp dụng biện pháp tự vệ.
Cần nỗ lực bảo vệ 'sân nhà'
"Việc ngành mía đường ưu tiên biện pháp tự vệ, một biện pháp không triệt để, không vững về cơ sở pháp lý, lại có rủi ro bị kiện, bị yêu cầu bồi thường... cho thấy chính bản thân ngành mía đường chưa thực sự thống nhất quan điểm, trong khi một số doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm muốn kéo dài thời gian bảo hộ", Bộ Công Thương nhận định trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 7/2020.
Trước bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều về các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA. Thông tư này hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp để thực thi Hiệp định EVFTA.
Theo đó, nếu doanh nghiệp phát hiện có sự gia tăng hàng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, gây ảnh hưởng tới mình có thể hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), các cơ chế tiến hành phòng vệ thương mại theo EVFTA đã có, và các cơ chế thông thường cũng đã có để doanh nghiệp tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nếu xảy ra nguy cơ cạnh tranh không cân sức với hàng hoá nhập khẩu. Doanh nghiệp không nên lo lắng quá mức vì chúng ta đã có công cụ trong tay. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải chủ động trước khi đòi hỏi được giúp đỡ, bằng việc tìm hiểu cơ hội, nội dung cam kết.
Đồng thời, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị: Doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động nắm bắt thông tin, các biểu hiện gian lận thương mại trong lĩnh vực của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phân tích tác động.
Đặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại về kinh tế cần chủ động đề nghị cơ quan chức năng khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, góp phần phát triển bền vững ngành sản xuất trong nước.
Thy Lê