Nhìn thấy sự phong phú của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như năng lượng mặt trời, gió và sinh khối, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu để đưa NLTT hòa nhập các nguồn năng lượng khác.
Theo Quy hoạch điện VII, công suất lắp đặt của các nhà máy điện NLTT dự kiến đạt 12GW vào năm 2025 và tăng lên 27GW vào năm 2030, chiếm khoảng 21% tổng công suất lắp đặt dự kiến, 11% tổng sản lượng điện.
Cơ chế vướng mắc, thủ tục phức tạp
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy phát triển NLTT vẫn còn nhiều rào cản. Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, ông Nguyễn Ninh Hải, Phó Trưởng phòng Năng lượng mới và NLTT (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương), cho biết có nhiều vướng mắc về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời.
Cụ thể, đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, hiện tại xuất hiện vướng mắc do mâu thuẫn với các quy định về thuế, thiếu các quy trình đấu nối, các chứng nhận về inverter…
Thậm chí có ý kiến cho rằng việc người dân mới bắt đầu lắp điện mặt trời mà cơ quan quản lý đã tính tới thu thuế giống như "mua một con bê tính tới chuyện vắt sữa".
Đại diện CTCP công nghệ Điện Sạch từng lo ngại, nếu như những vướng mắc về tính thuế giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chưa được tháo gỡ, chính sách chưa chính thức và thống nhất thì sẽ không ai muốn làm.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết nhà máy điện mặt trời xây dựng rất nhanh (5-6 tháng có thể lắp xong nhà máy có công suất 50-100MW, đóng góp cho việc cung điện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là truyền tải công suất của các nhà máy điện mặt trời. Hiện, các nhà máy điện mặt trời tập trung chủ yếu ở miền Trung nên dẫn tới quá tải lưới điện.
"Nguyên nhân là lưới điện thiết kế dựa vào nhu cầu phụ tải của địa phương. Lâu nay, miền Trung ít dịch vụ nên hệ thống truyền tải yếu. Đùng một cái, hàng nghìn MW chạy vào lưới điện, chắc chắn đường dây sẽ không thể tải được", ông Tri nói.
Nhìn thấy khó khăn này, EVN kiến nghị Chính phủ bổ sung vào quy hoạch làm thêm đường dây 220kV, kể cả 550kV ở miền Trung, nhưng thủ tục phê duyệt quy hoạch, giải phóng mặt bằng chậm nên không thể làm nhanh.
"Nếu không triển khai nhà máy điện mặt trời thì sẽ thiếu điện, nhưng nếu ký hợp đồng mua điện mà đường dây không tải được thì cũng chịu. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ mâu thuẫn với EVN", ông Tri lo ngại.
Liên quan tới điện gió, đại diện CTCP Phong điện Thuận Bình (đang sở hữu nhà máy điện gió Phú Lạc) chia sẻ, doanh nghiệp (DN) này hiện có 4 dự án điện gió đang vận hành, tuy nhiên một dự án ở đảo không có lưới điện quốc gia nên hoạt động không hiệu quả, một dự án bị ngân hàng siết nợ, một dự án tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, chỉ có dự án Phú Lạc là hoạt động tương đối thuận lợi.
"Tính tới thời điểm này, nhà máy Phú Lạc đã vận hành được hơn 20 tháng nhưng vẫn chưa có lãi. Còn CTCP Phong điện Thuận Bình thành lập 9 năm nay chưa chia một đồng cổ tức nào cho cổ đông", đại diện công ty cho biết.
Trong khi đó, với nguồn năng lượng sinh khối, ông Adam Ward, Trưởng đại diện Quốc gia Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) Việt Nam, cho biết với nền nông nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam, năng lượng sinh khối có thể đến từ nhiều nguồn nguyên liệu như bã mía, dăm gỗ, trấu và rơm rạ. Tuy nhiên, việc phát triển và triển khai các dự án năng lượng sinh khối còn chậm và hạn chế.
Hiện tại, có 38 nhà máy đường ở Việt Nam sử dụng sinh khối để sản xuất điện và nhiệt với tổng công suất khoảng 352MW. Trong số này, chỉ có 4 nhà máy phát điện lên lưới với tổng công suất 82,51MW (22,4%), bán được 15% sản lượng điện được tạo ra từ sinh khối lên lưới với mức giá 5,8 UScent/kWh.
"So sánh với các nước trong khu vực, mức giá cho năng lượng sinh khối ở Việt Nam khá thấp, chưa bằng một nửa của Thái Lan (13 UScent/ kWh) và Philippines (12,4 UScent/kWh)", ông Adam Ward cho biết.
Thách thức lớn nhất là truyền tải công suất của các nhà máy điện mặt trời |
Cấp thiết gỡ nút thắt
Để khuyến khích đầu tư, ông Adam Ward cho rằng Nhà nước cần nâng mức giá bán điện lên 9,35 US cent/kWh cho toàn bộ công nghệ năng lượng sinh khối để ngành này có thể đạt công suất tiềm năng. Bên cạnh đó, Nhà nước cải thiện nội dung hợp đồng mua bán điện (PPA) để tăng khả năng vay vốn. Cân nhắc các phương án đa nhiên liệu sẽ giúp giải quyết được vấn đề mùa vụ khi chỉ dùng nguyên liệu bã mía, miễn là chi phí vận chuyển không ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Đặc biệt, khuyến khích các nhà phát triển dự án cân nhắc các phương thức cấp vốn mới như công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) để thu hút thêm đầu tư. Các ngân hàng trong nước cần phải nâng cao năng lực trong việc xử lý các dự án NLTT và cấp vốn theo hình thức SPV.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết sở dĩ điện sạch chưa phát triển như mong đợi là vì thiếu hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình NLTT, nhất là các công trình điện gió, điện mặt trời còn thiếu.
Điện sản xuất từ NLTT thường phải đối mặt với sự bất lợi cạnh tranh không lành mạnh do các chính sách hiện nay không quy định phải trả các chi phí môi trường và xã hội đối với công nghệ cung cấp điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể vào điện gió, ông Mai Duy Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, cho hay đến nay điện gió vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là do cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, gây vướng mắc cho đầu tư.
Ví dụ, Việt Nam chưa có cơ chế ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án điện gió; thủ tục triển khai các dự án vẫn còn nhiều vướng mắc, phải qua rất nhiều cấp như địa phương cấp đất, duyệt dự án; Bộ Công Thương duyệt quy hoạch; EVN thực hiện đấu nối. Những khó khăn này cần phải được giải quyết trong thời gian tới.
Theo ông Thiện, khi phê duyệt quy hoạch cần sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và ngành điện. Nếu địa phương cấp phép ồ ạt, không phù hợp với quy hoạch của lưới điện truyền tải, chắc chắn dự án điện gió sẽ gặp khó khăn khi phát lên lưới điện.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và điện mặt trời, giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam sẽ không lo thiếu điện. Việt Nam cần phải có cơ chế để thực sự thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Nếu có cơ chế đặc biệt và sớm được phê duyệt, ước tính từ lúc lập dự án điện mặt trời cho đến khi đưa vào vận hành chỉ trong một năm. PGs. Ts. Tạ Cao Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) Việt Nam là nước có tiềm năng lớn nhất về năng lượng mặt trời ở các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, phần trăm đóng góp của năng lượng mặt trời vào tổng nguồn điện đất nước còn nhỏ. Trên thực tế đã có nhiều chính sách nhằm phát triển điện mặt trời nhưng nhìn chung việc thực thi vẫn còn hạn chế. Các bộ, ban ngành chồng chéo, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn. Thời gian tới, việc thực thi chính sách của Nhà nước cần quyết liệt hơn, giảm các biện pháp hành chính, tạo cơ hội thuận lợi cho nhà đầu tư. Ông Bruno Angelet - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giá điện mặt trời, điện gió được đưa ra đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm phát triển hạ tầng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các mối quan tâm này vẫn chưa được hiện thực hóa thành các nguồn đầu tư do còn thiếu các yếu tố đảm bảo về mặt pháp lý. Đây phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới. |