Trên thực tế, hiện nay, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, công suất nhiệt điện than vào năm 2030 đã giảm xuống 55.300 MW, chiếm khoảng 42,6% cơ cấu nguồn điện.
Đề xuất cắt bỏ 30.000 MW điện than
Song nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam, do Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) thực hiện, chỉ ra rằng nếu xem xét chi phí ngoại biên và ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam có cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống khoảng 24,4%, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) lên khoảng 30%, đồng thời điện khí cũng sẽ có vai trò lớn hơn, chiếm khoảng 22,8%.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch điện VIII. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơ hội để điều chỉnh cơ cấu nguồn điện giúp giảm ô nhiễm không khí, đồng thời bảo đảm một lộ trình phát triển năng lượng phù hợp với mục tiêu thỏa thuận Paris.
Cụ thể, GreenID kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan lập quy hoạch điện VIII xem xét tăng công suất NLTT từ khoảng 27.000 MW (theo quy hoạch điện VII điều chỉnh) lên 32.000 MW (chiếm khoảng 30% tổng công suất);Tăng công suất điện khí từ khoảng 19.000 MW (theo quy hoạch điện VII điều chỉnh) lên khoảng 24.000 MW (chiếm 22,8% tổng công suất); Giảm công suất điện than năm từ khoảng 55.300 MW (theo quy hoạch điện VII điều chỉnh) xuống còn khoảng 25.640 MW (chiếm khoảng 24% tổng công suất).
“Hiện tại, Việt Nam đang có cơ hội tốt để thực hiện điều này vì vẫn còn hơn 20 nhà máy (tương ứng với khoảng 30.000 MW được quy hoạch đi vào vận hành sau năm 2020 tới thời điểm này vẫn chưa được xây dựng”, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID, cho biết.
Hơn nữa, 2020 là năm đạt đỉnh của công suất điện than ở Việt Nam. Vì vậy, sau năm 2020, Việt Nam có khả năng không cần xây dựng thêm các nhà máy điện than mới mà vẫn bảo đảm được hệ thống năng lượng an toàn và khả thi về kinh tế.
Do vậy, bà Khanh khẳng định cắt bỏ 30.000 MW điện than, thay vào đó là ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và tăng tỷ trọng NLTT kết hợp với điện khí là hướng đi đúng đắn để đáp ứng nhu cầu năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Ông Lê Duy Tiến - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA), cũng cho rằng phát triển NLTT là quan trọng, tuy nhiên vấn đề làm thế nào để quá trình chuyển dịch này diễn ra tốt đẹp, không tạo thiệt hại quá lớn đến xã hội.
Sau năm 2020, Việt Nam không cần xây dựng thêm các nhà máy điện than mới |
Tạo việc làm có chất lượng
Cụ thể, báo cáo “Chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam” cho thấy phát triển NLTT và tiết kiệm năng lượng vẫn bảo đảm được số lượng việc làm tạo ra trong dài hạn tương đương thậm chí sẽ còn cao hơn so với nhiệt điện nếu tính cả số việc làm mới tạo ra từ việc triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Hơn nữa, môi trường làm việc trong ngành NLTT đã loại trừ được hầu hết yếu tố độc hại và nguy hiểm như bụi than, khói, tiếng ồn, khí độc hại...
Tuy nhiên, kỹ năng nghề cần thiết của lao động cho ngành NLTT hiện nay còn đang thiếu hụt, dẫn đến chất lượng nhân lực của ngành này chưa cao. Lao động hầu hết được đào tạo tại DN và mới chỉ đáp ứng được ở trình độ kỹ thuật bậc trung, thiếu đội ngũ chuyên gia kỹ thuật bậc cao.
Mức lương của lao động trong các công ty điện gió, điện mặt trời tương đương với các công ty nhiệt điện. Tuy nhiên, vì là ngành mới ở Việt Nam nên nếu các mức lương này không cao hơn thì khó có thể thu hút lao động học các kỹ năng cần thiết để làm việc.
Chưa kể, các DN NLTT cho đến nay chủ yếu là DN tư nhân, với tình hình thực thi pháp luật lao động Việt Nam chưa tốt có thể ảnh hưởng tới bảo đảm chất lượng việc làm trong ngành NLTT.
Vì vậy, bà Ngụy Thị Khanh kiến nghị Chính phủ cần xây dựng chiến lược phủ xanh nền kinh tế thông qua phát triển NLTT bảo đảm 10 yếu tố chất lượng việc làm. Hình thành kế hoạch chuyển đổi công bằng hướng tới mục tiêu tăng trưởng tạo việc làm có chất lượng thay vì tăng trưởng tạo việc làm hiện nay.
Đồng thời, bảo đảm sự tham gia của người lao động và cộng đồng địa phương vào quá trình hoạch định chính sách về phát triển năng lượng và chuyển đổi năng lượng cũng như chú trọng thúc đẩy đối thoại xã hội và thương lượng tập thể để chuyển đổi công bằng.
Bên cạnh đó, sở hữu nhà nước về năng lượng là rất quan trọng, liên quan tới quyền của người lao động và chất lượng việc làm. Do vậy, cần tăng cường vai trò nhà nước trong xây dựng pháp luật về lao động bảo vệ người lao động trong quá trình chuyển đổi và bảo đảm thực thi hiệu quả.
Thy Lê