Tại Hội nghị điện gió Việt Nam lần thứ nhất diễn ra ngày 7/6, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, nhưng theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam lên tới 27GW.
Mục tiêu xa vời
Dự kiến đến năm 2025, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 10%. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia ban hành vào năm 2011 và điều chỉnh vào năm 2016 đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030 đạt 6,9% (tương ứng với 800MW và 6.000MW). Công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ ở mức 197MW, còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020.
Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á đã nắm bắt cơ hội để phát triển ngành điện gió và năng lượng tái tạo. Thái Lan có khả năng sẽ vượt mức 1.000MW công suất điện gió được lắp đặt vào cuối năm 2018 và Phillipines cũng tương tự.
Các quốc gia này quyết định sử dụng điện gió không chỉ vì đây là một nguồn năng lượng có giá phải chăng mà còn vì rất nhiều lợi ích khác mang lại như thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), thừa nhận công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ ở mức 197MW, với 7 dự án là một con số khiêm tốn.
Việc đưa điện gió vào thực tiễn còn hạn chế vì nhiều lý do như tiếp cận công nghệ mới hiệu quả của các nhà đầu tư còn hạn chế, khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư, giải quyết vấn đề đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và đặc biệt là giá bán điện gió chưa đủ hấp dẫn.
Ông Bùi Vĩnh Thắng, công ty năng lượng tái tạo Mainstream – một nhà đầu tư nước ngoài, cho biết cơ chế đầu tư điện gió hiện nay vẫn còn những hạn chế như bất cập trong hợp đồng mua bán điện (PPA). Hợp đồng này đặt rủi ro của nhà đầu tư rất cao nên rất khó để có thể huy động vốn.
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, điều khoản về hủy và chấm dứt hợp đồng PPA khiến họ có nguy cơ phải chịu rủi ro cao. Ví như hợp đồng dự kiến là cung cấp điện trong 20 năm cho bên mua (tại Việt Nam chỉ duy nhất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền mua điện) nhưng lại có điều khoản EVN có thể và được phép hủy hợp đồng bất cứ lúc nào trong thời gian 20 năm đó và chỉ phải bồi thường một năm tiền điện trước đó.
"Nhà đầu tư đổ tiền vào điện gió là mong bán điện được trong 20 năm nhưng 5-7 năm sau bị EVN chấm dứt hợp đồng thì chỉ được bồi thường một năm tiền điện. Đó là rủi ro quá lớn bởi vốn đầu tư vào là rất nhiều", ông Thắng cho biết.
Ông Thắng kiến nghị hợp đồng PPA nên quy định tùy theo điều kiện khách quan hoặc chủ quan, EVN hoàn toàn có quyền tạm dừng phát điện của nhà máy trong một khoảng thời gian bất kỳ để bảo hành.
Hay đại diện công ty cổ phần phong điện Thuận Bình đang sở hữu nhà máy điện gió Phú Lạc chia sẻ, hiện công ty có 4 dự án điện gió đang vận hành, tuy nhiên một dự án ở đảo không có lưới điện quốc gia nên hoạt động không hiệu quả, một dự án bị ngân hàng siết nợ, một dự án tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Riêng chỉ có dự án Phú Lạc là hoạt động.
"Tính tới thời điểm này, nhà máy Phú Lạc đã vận hành được 20 tháng tuy nhiên vẫn chưa có lãi. Công ty CP phong điện Thuận Bình thành lập 9 năm nay chưa chia một đồng cổ tức nào cho cổ đông", vị đại diện này cho biết.
Trong khi đó, DN đầu tư điện gió còn vướng mắc ở cơ chế bảo lãnh. "Các tổ chức nước ngoài sẵn sàng cho chúng tôi vay, nhưng yêu cầu một ngân hàng trong nước đứng ra bảo lãnh khoản vay, đồng nghĩa việc chúng tôi phải trả chi phí. Điều này là cực kỳ khó với dự án điện gió khi đang phải chắt chiu từng đồng", đại diện công ty Thuận Bình cho biết.
Cũng theo đại diện công ty Thuận Bình, nếu có thể các tổ chức tài chính nước ngoài nên cho các cổ đông đứng ra bảo lãnh.
Đồng thời về đất đai, vùng nhiều gió thường ít người ở, song nhà đầu tư vẫn bị động trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng. "Nếu không làm tốt công tác dân vận, việc bàn giao đền bù là cực kỳ gian nan", một nhà đầu tư cho biết.
Nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam lên tới 27GW |
Bộ "hứa" đang nghiên cứu
Trước các kiến nghị của nhà đầu tư về giá điện, ông Thành cho biết Bộ Công Thương đang nghiên cứu đưa ra giá điện gió hài hòa, đảm bảo cân bằng nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới.
Về đất đai, các địa phương hiện rất ủng hộ và nỗ lực cùng các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc. Đồng thời, Bộ Công Thương giao EVN nghiên cứu giải quyết công trình đấu nối đường truyền hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo không riêng gì điện gió mà còn cả điện mặt trời.
Đặc biệt, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu đảm bảo hài hòa công bằng giữa người mua và người bán tại hợp đồng PPA.
Theo Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), hợp đồng PPA cần được chuẩn hóa. Đặc điểm của điện gió là chi phí dự án phần lớn đều là chi đầu tư trả trước, không phát sinh chi phí nhiên liệu và chi phí vận hành và bảo trì trong suốt vòng đời của dự án tương đối nhỏ. Do đó, vốn và chi phí vốn là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn đầu tư của điện gió.
Hợp đồng PPA là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn. Hợp đồng này được chuẩn hóa, minh bạch và được các tổ chức tài chính chấp nhận là cần thiết để giảm rủi ro và chi phí vốn.
"Chúng tôi rất vui khi thấy gần đây, nhiều hợp đồng PPA cho các dự án điện gió đã được ký kết, song hợp đồng này vẫn cần được tinh chỉnh hơn nữa để được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận và để công suất phát điện sử dụng năng lượng gió ở Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện tăng cao", GWEC cho biết.
Bên cạnh đó, theo GWEC, quy trình phê duyệt dự án rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể là rất quan trọng để giảm tính bất trắc, tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư cũng như tối đa hóa tăng trưởng ngành.
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy điện dồi dào, là lợi thế quan trọng giúp thiết lập hệ thống lưới điện hiện đại và linh hoạt. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng vượt trội được dự báo của ngành điện, cần có quy hoạch và đầu tư để đảm bảo bổ sung thành công nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào hệ thống.
"Để làm được điều này, Việt Nam cần một hiệp hội điện gió quốc gia có năng lực và ngành điện gió trong nước đủ mạnh để đảm bảo có thể thu được lợi ích tối đa từ nguồn tài nguyên gió dồi dào", GWEC khuyến nghị.
Lê Thúy
Ông Peter Brun - Chuyên gia điện gió ngoài khơi công ty DNV GL Riêng về cấp phép đầu tư, các DN đang phải tuân thủ tới 29 thủ tục. Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy đơn giản hơn nữa quá trình cấp phép xuống mức phù hợp, tính tới thành lập cơ chế một cửa giúp hoạt động cấp phép nhanh chóng, nhà đầu tư sẽ mặn mà hơn. Ông Steve Sawyer - Tổng Thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia vững chắc và các mục tiêu hết sức thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. Một khi có thể hợp tác với Chính phủ để giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, ngành điện gió sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế và môi trường cũng như giúp Việt Nam trở thành một điểm hấp dẫn với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế. Ông Chiristopher Dorman - Giám đốc phát triển Mainstream Hợp đồng mua bán điện là một vấn đề được Việt Nam cố gắng giải quyết trong nhiều năm qua nhưng chưa có tiến triển, không phải không có giải pháp nhưng chúng ta cần thúc đẩy mạnh và có cơ chế quyết liệt hơn. |