Tại buổi họp báo công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vưa qua, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết năm 2017, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 174,65 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,24%, thấp hơn 0,36% so với kế hoạch và thấp hơn 0,33% so với tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế năm 2016 (7,57%).
Chưa có kế hoạch cụ thể
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,46 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.667,77 đồng/ kWh (tăng 0,15% so với năm 2016).
Doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đồng/kWh).
Tình hình thủy văn năm 2017 tác động làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện gồm: giá than năm 2017 tăng bình quân khoảng 5,7% so với năm 2016 và do giá dầu DO, FO bình quân tăng lần lượt 21,95% và 32,84% so với năm 2016.
Giá dầu HSFO thế giới năm 2017 tăng 39,2% so với năm 2016 dẫn đến giá khí thị trường tăng cao. Thuế suất tài nguyên nước tăng áp dụng cho cả năm 2017 so với năm 2016 chỉ áp dụng thuế suất mới trong 6 tháng; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bắt đầu áp dụng từ ngày 1/9/2017… Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2017 là 4.115,76 tỷ đồng.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến sản xuất điện năm 2017, EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Trả lời câu hỏi về kế hoạch tăng giá điện năm 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết tới đây, EVN sẽ xây dựng bản kế hoạch cung cấp điện 2019, Bộ Công Thương tiến hành thẩm định, báo cáo với Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, qua đó điều chỉnh mức độ tăng, thời điểm tăng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng 3-5%, EVN được quyết định tăng ở mức tương ứng. Khi giá bán điện cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép tăng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Nếu giá bán điện cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, ngoài ra còn trường hợp điều chỉnh ngoài khung giá quy định thì phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.
Về việc xây dựng phương án giá điện năm 2019, ông Tuấn cho biết sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá ảnh hưởng tăng giá điện tới sinh hoạt người dân, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Năm 2019, giá điện đang chịu nhiều áp lực tăng |
Nguy cơ thiếu điện, giá tăng
Thời điểm tăng giá điện sẽ không sớm hơn 6 tháng kể từ lần tăng giá trước đó (lần gần nhất tăng giá là vào tháng 12/2017). "Nếu phải tăng giá điện, chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp", ông Tuấn cho biết.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân làm đội giá thành sản xuất điện trong năm 2019. Tính tới thời điểm này, khó khăn lớn nhất là ở nhiều hồ thủy điện, lưu lượng nước về rất kém so với bình quân nhiều năm trước; một số mỏ khí đảm bảo cung cấp khí cho nhiệt điện cũng đã suy giảm.
Đặc biệt, về nguyên liệu than, Bộ Công Thương đang xem xét giao cho Tập đoàn Than –Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, các nhà máy điện và các chủ đầu tư xem xét phương án sử dụng than trong nước, nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu than cho sản xuất điện.
Về vấn đề mua than, tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã có chỉ đạo các đơn vị bán và mua than cần ký hợp đồng dài hạn. Trên cơ sở đó, báo cáo với Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét phương án mua than từ nước ngoài.
Liên quan tới đề nghị tăng giá bán than cho điện thêm 5% của TKV, ông Tuấn cho biết tăng giá than chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2019. Hiện, tổng sản lượng nhiệt điện than vượt 116 tỷ kWh, giá nhiên liệu than chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá thành sản xuất kinh doanh điện, đây là áp lực tăng giá điện.
Cụ thể hơn, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết hiện nay, EVN chỉ mua than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Riêng hai nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Nhiệt điện Duyên Hải 3 được phép sử dụng than nhập khẩu, với 7 triệu tấn than/năm.
Các nhà máy nhiệt điện còn lại đang sử dụng 54 triệu tấn than/năm, nhưng TKV và Tổng công ty Đông Bắc hiện không đáp ứng đủ, đang thiếu 8 triệu tấn than.
Với 8 triệu tấn này, EVN giao các tổng công ty tự nhập 4 triệu tấn, 4 triệu tấn còn lại TKV và Tổng công ty Đông Bắc nhập, sau đó bán lại cho EVN.
"Như thế là vấn đề than cho phát điện sẽ được giải quyết dứt điểm", ông Tri cho biết. Tuy nhiên, điều ông Tri lo ngại là giá than dự kiến tăng 5% chắc chắn sẽ tác động tới giá điện.
Trong bối cảnh năm 2019, các nhà máy thủy điện có nguy cơ thiếu nước, ngành điện buộc phải chuyển sang huy động nguồn điện có giá thành sản xuất cao như nhiệt điện than hoặc nhiệt điện dầu… làm đội giá thành sản xuất, khiến giá điện tăng.
Trong khi đó, các nhà máy điện khí hiện nay không thể huy động hết công suất do nhu cầu lên tới 22 triệu m3 khí/ngày nhưng mới đáp ứng được 15-16 triệu m3. Đồng thời, các dự án điện "sạch" còn vướng cơ chế nên chưa phát triển mạnh.
"Nguy cơ thiếu điện hiện rõ vào sau năm 2020", ông Tri cho biết.
Thy Lê