Xem giao diện chính trên website của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ngày 7/3 sẽ thấy "nổi bật" việc hiệp hội này dẫn lại một bài viết với tựa đề khá bi đát là "Tây Nguyên: Nhiều hộ cho không người thu hái tiêu".
Có thể thấy tình hình ảm đạm của ngành hồ tiêu Việt dù đã được lưu tâm hơn một năm nay nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Bất trắc với nông dân
Ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), từng tâm sự buồn rằng khi trò chuyện với nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên thì ai cũng chán nản lắc đầu!
"Đó là một thực trạng đáng buồn khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu (XK) hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm đến 60% sản lượng thế giới", ông Bính chia sẻ.
Theo dự báo, trong tháng 3 này, do nguồn cung hồ tiêu toàn cầu tiếp tục được bổ sung khi Việt Nam và Ấn Độ (hai quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn) đang trong mùa thu hoạch mới, nên giá tiêu sẽ còn tiếp tục giảm xuống và nhiều khả năng xuống còn khoảng 40.000 đồng/kg.
Việc tăng diện tích trồng gấp 3 lần trong 5 năm trở lại đây, nhất là tại Đắk Nông và Đắk Lắk (do tác động mạnh từ việc giá hạt tiêu lên đến đỉnh cao vào năm 2015), đang khiến ngành hồ tiêu Việt Nam gặp khốn đốn khi chuỗi ngày giá giảm còn kéo dài.
Liệu mức giá giảm sẽ còn tiếp diễn 5 – 6 năm tới hay không trước tình trạng vỡ quy hoạch hồ tiêu là câu hỏi chưa có câu trả lời. Chỉ biết rằng trước tình trạng giá giảm, người gánh chịu trước tiên không ai khác chính là nông dân trồng tiêu.
Các số liệu XK hồ tiêu trong hai tháng đầu 2019 cũng phản ánh sự bất lợi khi mà sản lượng thì tăng nhưng giá trị lại sụt giảm mạnh. Cụ thể, Việt Nam đã XK hạt tiêu đạt 32.000 tấn, trị giá 92 triệu USD, tăng 7,8% về lượng nhưng giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá XK bình quân hạt tiêu đạt mức 2.842 USD/ tấn, giảm 26,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tình cảnh ngành hạt điều hiện nay cũng không khá gì hơn. Ở tỉnh Bình Phước – thủ phủ cây điều Việt Nam, đang có thông tin hàng chục ngàn nông dân là các chủ vườn điều đang "ngồi trên đống lửa" khi trúng mùa điều nhưng giá thu mua điều nguyên liệu lại sụt giảm sâu chỉ còn 25.000 – 30.000 đồng/kg (bằng một nửa mức giá cùng kỳ năm ngoái).
Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do giá điều nhân XK sụt giảm khiến các nhà máy không còn động lực mua nguyên liệu đầu vào sản xuất. Hơn nữa, nhiều quốc gia trồng điều đang vào vụ thu hoạch trong khi nhu cầu chung của thị trường không tăng làm ảnh hưởng lớn đến giá cả hạt điều nguyên liệu.
Theo ước tính, trong hai tháng đầu năm 2019, XK hạt điều của Việt Nam chỉ đạt 45.000 tấn, trị giá 371 triệu USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 20,9% trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính bình quân 2 tháng đầu năm 2019, mức giá hạt điều XK đạt 8.301 USD/ tấn, giảm 15,1% so với cùng kỳ.
Nông dân vẫn ngóng chờ hợp đồng từ phía doanh nghiệp |
Mòn mỏi chờ hợp đồng
Trong tháng 3 này, giá hạt điều được dự báo sẽ vẫn trong xu hướng giảm do vẫn đang là thời điểm thu hoạch của nhiều nước sản xuất hạt điều lớn. Chỉ sang quý II, giá hạt điều có thể sẽ phục hồi và được kỳ vọng sẽ cao hơn năm 2017 và 2018 nhờ nhu cầu hạt điều tăng của Trung Quốc và một số nước nhập khẩu khác.
Chung số phận với tiêu và điều là ngành mía đường khi ở nhiều địa phương có diện tích trồng mía lớn nhưng nông dân trồng mía "đỏ mắt" ngóng thương lái đến thu mua. Điển hình như ở Quảng Ngãi, hơn 20ha mía trồng tại thôn Thọ Lộc Đông và Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, đã quá kỳ thu hoạch từ vài tuần nay nhưng không có người mua.
Liên tục hai năm nay, giá mía rớt dần. Năm 2018, giá ở mức 800.000 – 1 triệu đồng/ tấn, năm nay xuống chỉ còn khoảng 700.000 đồng/tấn. Nhiều người nông dân còn phải bù thêm tiền công thuê róc, chặt mía là 500.00 đồng/sào nếu thu hoạch bán rẻ. Như vậy, cả thương lái và nông dân, kẻ bán người mua đều chịu lỗ vốn.
Nhận định về rủi ro của ngành mía đường Việt Nam hiện nay, giới phân tích cho rằng ngành này đang phải cạnh tranh trực tiếp với đường Thái Lan (nước XK đường lớn thứ hai thế giới với giá thành sản xuất đường thấp hơn 31% so với Việt Nam) trong khi chưa kịp nâng cao năng lực.
Điểm sơ một số diễn biến xấu của ba ngành hàng nông sản quan trọng này để thấy về những bất trắc mà người nông dân phải chịu đựng.
Ngành hồ tiêu và ngành điều của Việt Nam vẫn luôn tự hào là XK nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, qua việc gia tăng sản lượng XK mà sụt giảm mạnh giá trị kim ngạch như thời gian qua đã phản ánh rõ những bất cập cố hữu ở XK hai mặt hàng này khi vẫn còn chạy theo thành tích về sản lượng hơn là chất lượng.
Trong vấn đề giá cả thu mua ở ba ngành tiêu, điều và mía, giới chuyên gia đặt biệt lưu ý về hợp đồng thu mua với nông dân – một vấn đề được nhắc đến nhiều dù không phải là mới.
Thực tế đến nay, hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân ở ba ngành hàng này tại Việt Nam vẫn kém phát triển hơn rất nhiều so với các quốc gia khác – nơi mà các hộ nông dân nhỏ giữ vai trò nổi bật trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Thế Vinh