Báo cáo này phản ánh các hoạt động của các cơ quan Nhà nước liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua và sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với các hoạt động đó.
Ngoài phản ánh các trải nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, báo cáo cũng xác định nguyên nhân và đưa ra kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước liên quan để lựa chọn những giải pháp phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. |
Cụ thể, báo cáo đánh giá nhìn chung, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).
Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm. Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.
Về hình thức thực hiện, năm nay chứng kiến sự gia tăng việc sử dụng các biện pháp làm thủ tục hành chính (TTHC) không tiếp xúc như bưu điện và trực tuyến (có địa phương lên đến 92%). Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin ở địa phương chưa đáp ứng được (trung bình có 36,67% doanh nghiệp hài lòng; tỉnh cao nhất cũng chỉ có 40%, tỉnh thấp nhất hơn 3%). Có doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng hướng dẫn hồ sơ chưa chi tiết, khiến doanh nghiệp phải tự tra cứu, tìm hiểu, hồ sơ trả qua bưu điện mất nhiều thời gian khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội qua Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Về cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, loạt Nghị định cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục điều kiện kinh doanh năm 2018 đã tạo một cú hích quan trọng, khi tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giảm từ mức 58% năm 2017 xuống 48% năm 2018, tỷ lệ gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục giảm từ 42% xuống còn 34%. Nghị quyết năm 2019 và 2020 tập trung vào nhiệm vụ duy trì, tránh phát sinh các điều kiện đầu tư kinh doanh mới. Tuy nhiên, dư địa cải cách trong lĩnh vực này còn rất lớn với sự tồn tại của các điều kiện không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổng hợp lại những thay đổi lớn trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian qua, điểm lại những hoạt động mà Chính phủ đã đề ra cùng với kết quả tích cực đạt được thông qua cảm nhận của doanh nghiệp. Có thể kể đến như môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm…
Tuy nhiên, ông Lộc cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. "Đây chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên", ông Lộc nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh hai vấn đề trọng tâm đã có cải thiện tích cực là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Song môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.
Thy Lê