Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được 15 nước ký kết, bao gồm 10 nước ASEAN và các đối tác ngoại khối là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Hiệp định RCEP giúp tiếp cận thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với gần 28% thương mại toàn cầu.
Cơ hội mở rộng thị trường
Các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) đang là đối tượng trực tiếp trong việc thụ hưởng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và Hiệp định RCEP nói riêng.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết, bất chấp đại dịch COVID-19, đến thời điểm này, kim ngạch XK của công ty tăng trưởng hơn 10% so với năm 2019. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang là những thị trường chủ lực của công ty.
Hiệp định RCEP sớm có hiệu lực sẽ là cú hích mạnh cho XK của Việt Nam. |
Với Hiệp định RCEP vừa được ký kết, ông Lĩnh kỳ vọng sẽ giúp DN mở rộng thị trường ở Nhật Bản, Trung Quốc, cũng như các nước trong khu vực ASEAN.
Đặc biệt đối với Trung Quốc, Công ty Thuận Phước mong chờ sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ đẩy mạnh XK hàng thuỷ sản chính ngạch sang thị trường này. "Lâu nay, nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, dẫn tới XK thiếu bền vững, lúc trồi lúc sụt. Đặc biệt, do không có tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, nên thuỷ sản Việt bị lép vế, bị ép giá", ông Lĩnh chia sẻ.
Đáng chú ý, việc XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc quá dễ dãi là chuyện mà DN không mong muốn. "Chúng tôi nhiều khi rất sợ khi thị trường Trung Quốc dễ tính, bởi không có tiêu chuẩn rõ ràng khiến những DN làm ăn bài bản lại bị vạ lây. Đơn cử như lâu nay Trung Quốc không tính chuyện kiểm tra dư lượng kháng sinh trong thủy sản, dẫn đến người sản xuất thờ ơ với việc sản xuất theo tiêu chuẩn, khiến DN XK rất khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua nguồn hàng đạt tiêu chuẩn", ông Lĩnh nói.
Mặt khác, Chủ tịch Công ty Thuận Phước cũng cho rằng, việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA tuy quan trọng nhưng không phải là điều kiện đủ để đẩy mạnh XK. Trong hành trình tận dụng cơ hội từ các FTA, bên cạnh sự nỗ lực của mình, các DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước với tinh thần phục vụ DN, đồng hành cùng DN trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính.
Tương tự, ông Trần Tấn Phát, đại diện Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam (Đồng Nai) cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, hầu hết DN đều phải tìm kiếm thị trường mới để duy trì sản xuất, đảm bảo doanh thu. Việc Hiệp định RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực sẽ giúp DN thực hiện được mong muốn này.
Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường XK ổn định dài hạn cho DN, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng XK của Việt Nam.
Vẫn lo về năng lực cạnh tranh
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra những thách thức, nổi bật nhất là có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Theo đó, đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.
Hiện, đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế, cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam tương đối khiêm tốn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhìn nhận: "Lợi ích XK mà chúng ta kỳ vọng từ RCEP không phải là từ quy mô thị trường của nó. Trước đó, dù chưa có RCEP thì với 5 FTA đã có, chúng ta có thể tiếp cận thị trường lớn này rồi. Căn cứ để chúng ta kỳ vọng là ở chỗ quy tắc xuất xứ nội khối của RCEP, hàng hóa XK của chúng ta sẽ có thể đáp ứng điều kiện xuất xứ một cách dễ dàng, qua đó có thể hưởng ưu đãi thuế quan tốt hơn nhiều so với các FTA trước đây".
Theo bà Trang, DN phải chủ động tìm hiểu: cơ hội ở đâu, là gì, điều kiện ra sao để điều chỉnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường để tận dụng cơ hội. Bên cạnh đó, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ những FTA trước đây, đẩy mạnh tuyên truyền giúp DN hiểu về RCEP và cách thức để tận dụng các lợi ích từ RCEP, cần làm thật mạnh, thật nhanh, thật chi tiết. Đồng thời, công tác xây dựng văn bản pháp luật để thực thi RCEP và tổ chức cấp hoặc tiếp nhận chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng theo RCEP cần chú trọng đẩy nhanh.
Còn theo Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, bên cạnh EVFTA, CPTPP, Hiệp định RCEP sắp có hiệu lực, đòi hỏi DN phải biết nhìn nhận hoạt động sản xuất kinh doanh trong tổng thể vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa học hỏi để tận dụng tốt nhất cơ hội từ RCEP.
"Có thể xét dưới góc độ thương mại thuần túy, RCEP không đem lại quá nhiều lợi ích trước mắt, nhưng DN hãy nhìn nó trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả đầu tư của mình. Tác động của RCEP là rất lớn, nhất là về tổng thể lâu dài", ông Thành chia sẻ.
Ông Trần Tuấn Anh Bộ trưởng Bộ Công Thương Để tận dụng tối đa cơ hội cùng với giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương thì sự chủ động và tích cực của DN là quan trọng. Các DN, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định RCEP, các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới. DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Ông Nguyễn Anh Dương Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Quy mô lớn từ các công đoạn trong chuỗi giá trị RCEP sẽ buộc các DN Việt Nam phải đổi mới chiến lược kinh doanh, gắn với hiểu biết sâu sắc hơn về cạnh tranh trong môi trường kinh doanh rất châu Á. Đó không chỉ liên quan tới cạnh tranh về giá, chất lượng mà còn ở những khía cạnh khác như đúng thời điểm, lợi ích kinh tế nhờ quy mô, thiết lập được kênh phân phối phù hợp, uy tín của DN. Ông Tim Evans Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Hiệp định RCEP có thể giúp các DN Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng và thu hút đầu tư nước ngoài. Lợi thế trong RCEP là các DN có thể tiếp cận nguồn nguyên vật liệu từ các quốc gia khác nhau trên nguyên tắc xuất xứ nội khối để phục vụ nhu cầu XK của mình và tận dụng biểu thuế quan ưu đãi. |
Lê Thúy