Sáng 21/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025.
![]() |
Mục tiêu đưa Việt Nam vào ASEAN 4 về môi trường kinh doanh thách thức hơn. |
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, năm 2015 tồn tại khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh, vì vậy Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh.
"Khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như về điều kiện kinh doanh. Nhiều bên tham gia theo dõi, đánh giá việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh", bà Thảo khẳng định.
Kết quả, về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ; tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận tốt hơn.
Tuy nhiên, bà Thảo cho biết vẫn còn tồn tại, hạn chế như rào cản về điều kiện kinh doanh; bất cập, mâu thuẫn chồng chéo, khác biệt trong các quy định pháp luật, chi phí không chính thức.
Đặc biệt, khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam so với ASEAN 4 ngày càng cách biệt trên nhiều chỉ số. Mục tiêu vào ASEAN 4 thách thức hơn. Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách xa so với Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Cụ thể, chỉ số cấp phép xây dựng tuy có thứ hạng tốt nhưng thời gian thực hiện thủ tục kéo dài trong nhiều năm. Quyền tài sản là điểm nghẽn trong nhiều năm, đặc biệt là quyền tài sản vật chất của Việt Nam ở thứ hạng rất thấp (thứ 88).
Hiệu quả thị trường còn hạn chế, nhất là chỉ số tự do kinh tế. Theo Quỹ di sản văn hóa và Tạp chí phố Wall, năm 2020, Việt Nam đứng thứ 105/171 với 58,8 điểm, cải thiện 3,5 điểm so với năm 2019, nhưng vẫn thuộc nhóm nền kinh tế hầu như chưa tự do.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh năm 2019 của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei. Năm 2020, đổi mới sáng tạo duy trì thứ hạng tốt (thứ 42) nhưng đa số các trụ cột giảm bậc.
Đáng lo ngại, bất cập, vướng mắc trong thực hiện thủ tục về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn là nỗi lo đối với doanh nghiệp. Cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đang quá mức cần thiết, chưa áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế tốt, nên tạo nhiều rào cản đối với doanh nghiệp...
Thy Lê