Đánh giá mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Hộ kinh doanh lo gặp khó
Riêng hồi tháng 9/2020 vừa qua, cả nước có 10,3 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 203,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 83 nghìn lao động. Do tác động của dịch Covid-19 nên số DN thành lập mới đã giảm 23,1% về số DN, giảm 29,6% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng trước.
Để hộ kinh doanh và DN phục hồi hậu Covid-19 thì cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. |
Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 777,9 nghìn lao động, giảm 3,2% về số DN, tăng 10,7% về vốn đăng ký.
Để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm giúp các DN phát triển hậu Covid-19, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM), cho rằng ở khâu chính sách cần tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục đơn giản hóa, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục.
Riêng với các hộ kinh doanh vốn chịu nhiều khó khăn từ tác động của dịch Covid-19, để cho họ phục hồi, giới chuyên gia nhấn mạnh là các chính sách cần giúp cho cho sức bật để phục hồi và nâng cao hiệu quả hoạt động, vì trên thực tế khu vực này chiếm 30,4% GDP nhưng chỉ đóng góp 1,56% tổng thu ngân sách nhà nước.
Nhất là cần thực hiện một số những cải cách về quy định pháp luật nhằm có hình thức pháp lý phù hợp nhất để hộ kinh doanh đảm bảo hoạt động hợp lý nhất đối với bản chất và quy mô hoạt động của họ như hiện nay.
Tuy nhiên, trong góp ý mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Dự thảo Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp, có thể thấy vẫn còn đó những vướng víu ở khâu thủ tục với hộ kinh doanh.
Đơn cử, trong quy định tại khoản 6 Điều 16 của Dự thảo, “Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện có nhiệm vụ, quyền hạn: Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo tình hình kinh doanh khi cần thiết”.
Theo VCCI, đây là quy định chưa rõ ràng về các trường hợp hộ kinh doanh phải báo cáo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
“Điều này có thể tạo ra sự tùy nghi của cơ quan thực thi và tạo gánh nặng về thủ tục cho các chủ thể kinh doanh. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện có quyền yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo tình hình kinh doanh”, VCCI nhấn mạnh.
Ngoài ra, ở khoản 7 Điều 16 của Dự thảo có yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện hộ kinh doanh không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh.
Chưa phù hợp với thực tế
VCCI cho rằng quy định nêu trên nhiều khả năng chồng lấn về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Bởi vì, theo quy định của pháp luật chuyên ngành, các cơ quan cấp phép hoặc quản lý về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có thẩm quyền trong việc yêu cầu các chủ thể kinh doanh trong đó có hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nếu không đáp ứng được điều kiện.
Đồng thời pháp luật chuyên ngành cũng có các quy định để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn này của các cơ quan quản lý.
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, VCCI đề nghị cần xem xét bỏ quy định tại khoản 7 Điều 16 Dự thảo.
Ngoài vấn đề nêu trên, thì trong Dự thảo có một số quy định đang khiến cho DN cảm thấy chưa phù hợp. Chẳng hạn như quy định về các giấy tờ liên quan đến chứng minh việc góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phần.
Trong quy định tại điểm d khoản 1 Điều 53 Dự thảo thì khi đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, DN phải cung cấp “hợp đồng chuyển nhượng vốn góp các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng vốn góp”. Quy định này cũng tương tự tại các Điều: 26. 52, khoản 4 và khoản 5 Điều 53 Dự thảo.
Như phản ánh của DN, trên thực tế DN bị yêu cầu phải nộp đồng thời cả hợp đồng chuyển nhượng và giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng.
Trong đó cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu DN nộp biên bản thanh lý hợp đồng hoặc ủy nhiệm chi của ngân hàng về việc đã thanh toán toàn bộ giá chuyển nhượng như là một bằng chứng về việc “hoàn tất việc chuyển nhượng”.
Theo VCCI, về nguyên tắc “hoàn tất việc chuyển nhượng” phải được hiểu là thời điểm cổ đông/thành viên nhận chuyển nhượng được ghi nhận quyền sở hữu của mình trên sổ đăng ký cổ đông/sổ đăng ký thành viên của DN đối với số cổ phần/phần vốn nhận chuyển nhượng.
Việc thanh toán giá chuyển nhượng giữa các bên trên thực tế là điều khoản thương mại theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và không phụ thuộc vào thủ tục thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Do vậy, việc cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu DN nộp biên bản thanh lý hợp đồng hoặc ủy nhiệm chi của ngân hàng về việc đã thanh toán toàn bộ giá chuyển nhượng như là một bằng chứng về việc “hoàn tất việc chuyển nhượng” là chưa phù hợp với thực tế và khiến các DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện việc chuyển nhượng vốn, đặc biệt là đối với các giao dịch có giá chuyển nhượng lớn”, VCCI lưu ý.
Thế Vinh