Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam đánh giá, các chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí tuy năm sau cao hơn năm trước nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước mới chỉ đạt 32,5% vào năm 2015 (trong khi mục tiêu đặt ra là đáp ứng 40- 50% nhu cầu trong nước vào năm 2010).
Thất thế trên thị trường
Tại hội thảo "Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0" ngày 5/9, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, nhận định ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn với sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.
Thực tiễn 20 năm qua cho thấy trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam hiện vẫn quá lạc hậu so với thế giới. Phần lớn việc tổ chức DN, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) mới ở trình độ 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơ khí thua kém các nước trong khu vực. Vì vậy, ngay trên "sân nhà", cơ khí Việt Nam bị thua trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại.
Theo đánh giá, hiện nay, ngành cơ khí đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngay tại thị trường trong nước, các DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và chưa được nhiều khách hàng biết đến.
Nhu cầu sản phẩm cơ khí trong sản xuất, lắp ráp ô tô, đóng tàu thủy, tàu đánh bắt hải sản xa bờ, giao thông vận tải, xây dựng… của Việt Nam rất lớn, nhưng hầu như DN nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường.
Hiện nay, các cam kết tự do thương mại đã và đang tạo thêm áp lực đối với DN trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ, trong khi năng lực cạnh tranh của DN nội vẫn chưa cải thiện nhiều.
Chính vì vậy, đã tới lúc các DN cũng như các nhà hoạch định chính sách công nghiệp Việt Nam cần nhìn thẳng sự thật để tìm ra những nguyên nhân chính đã làm cho sản xuất cơ khí nội địa Việt Nam bị tụt hậu, thua kém các nước trong nhiều năm qua.
Chỉ ra nguyên nhân ngành cơ khí "tụt hậu", ông Long cho rằng về quản lý nhà nước, do hệ thống chính sách và bộ máy quản lý đối với sản xuất cơ khí nội địa không hữu hiệu, không đi vào cuộc sống, không bảo vệ được thị trường nội địa, mất nhiều đơn hàng cho nước ngoài và để DN FDI "lấn sân" ngay tại thị trường Việt Nam và khu vực.
Đồng thời, các DN sản xuất cơ khí Việt Nam đầu tư tự phát, nghiên cứu thị trường, quản lý sản xuất, thiết bị công nghệ yếu kém, dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí rất kém so với các nước, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Sản phẩm cơ khí Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu |
Nỗi lo DN "tự bơi"
Cho biết các DN sản xuất ô tô đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), kiến nghị Chính phủ sớm có những chính sách cụ thể về nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và các chương trình hỗ trợ DN.
Theo đó, cần có chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước, góp phần giảm giá xe ô tô xuất xưởng; có chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Chính phủ có các biện pháp chống gian lận thương mại và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận xuất xứ (C/O) trong việc xác định tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí – Điện Tp.HCM, mong muốn thành lập cụm công nghiệp cơ khí – điện – tự động hóa nhằm tập trung chuyên ngành cho DN trong ngành và có chính sách ưu đãi đi kèm như giá thuê đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ chế tài chính… tạo cụm liên kết ngành.
Ts. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, bày tỏ lạc quan rằng ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để đáp ứng đến 70% nhu cầu thị trường vào năm 2030 nếu có hàng rào phòng hộ, chính sách bảo vệ thị trường hợp lý. Đồng thời, các tập đoàn, tổng công ty trong các ngành công nghiệp cần xây dựng chiến lược nội địa hóa thiết bị và đề xuất những cơ chế riêng cho sự phát triển của mình.
"Có thể nói khi Việt Nam mở cửa tự do thương mại, ngành sản xuất cơ khí nội địa sẽ bị cạnh tranh dữ dội nhất, nhiều sản phẩm truyền thống sẽ không tồn tại trước giá cả và chất lượng của hàng ngoại nhập. Do vậy, không có con đường nào khác là các DN cơ khí Việt Nam phải tính toán và có chính sách thích hợp, để tìm hướng phát triển cho ngành cơ khí của đất nước. Tất nhiên phải dựa trên một số chính sách đổi mới quản lý cơ khí toàn diện của Chính phủ", ông Sáng nói.
Đặc biệt, các chuyên gia, DN đều cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí dựa trên cơ sở nghiên cứu, tính toán để lựa chọn một số ngành hàng sản xuất sản phẩm có thị trường nội địa, có thể cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài để bổ sung vào các sản phẩm trọng điểm.
Đó là sản xuất, lắp ráp ô tô; đóng tàu thủy, tàu đánh bắt hải sản xa bờ; cơ giới hóa nông nghiệp… Những sản phẩm cơ khí này phần lớn là đầu tư công, do đó cần có chính sách để tạo đơn hàng trước hết cho sản xuất cơ khí nội địa như nhiều nước đã và đang thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Nhà nước cần tính toán và có chính sách sao cho DN trong nước có được nhiều đơn hàng, thị trường để đầu tư phát triển, tránh để DN "tự bơi".
Đồng quan điểm, đại diện Cục Công nghiệp khẳng định tạo dựng thị trường là yếu tố tiên quyết cho phát triển. Trong đó, việc điều chỉnh, ban hành các quy định về đấu thầu các dự án đầu tư công sao cho góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng thiết bị, vật tư hàng hóa sản xuất trong nước và tăng cường quản lý các gói tổng thầu về máy móc thiết bị để có thể tạo thị trường cho DN cơ khí trong nước.
Lê Thúy
Ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam Để bảo vệ thị trường nội địa của cơ khí, chúng ta cần học theo kinh nghiệm bảo vệ thị trường nội địa của các nước công nghiệp. Chính phủ cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để hạn chế tối đa việc nhập khẩu các công nghệ, máy móc, trang thiết bị đã qua sử dụng lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường. Nếu không làm tốt việc này, sản xuất cơ khí nội địa sẽ không bao giờ "ngóc đầu dậy" để phát triển trong những năm tới. Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam Chúng tôi mong muốn có chính sách bình đẳng về phí và thuế giữa DN nội và DN FDI. Các DN FDI hiện nay có nền tảng kinh tế, kỹ thuật vượt trội nhưng lại nhận được các ưu đãi nên tạo cạnh tranh không bình đẳng và gây áp lực lớn lên các DN cơ khí trong nước. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Muốn phát triển ngành cơ khí trong nước, Nhà nước phải có sự tác động, hỗ trợ, nhất là đối với các DN lớn, DN đi tiên phong. Chính sách phải hỗ trợ cho các "ông lớn", từ đó các DN lớn sẽ kéo theo hàng nghìn DN nhỏ tham gia vào mạng lưới sản xuất của mình. Nếu chúng ta cứ ngồi nghĩ mà không làm gì, ngành cơ khí sẽ không tự phát triển. |