Tại Hội thảo "Triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0" ngày 5/9, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, nhận định nền kinh tế nói chung và công nghiệp cơ khí nói riêng của Việt Nam trong giai đoạn tới đang đứng trước những thách thức lớn trước sự phát triển của khoa học công nghệ rất nhanh của thế giới.
Sản xuất cơ khí nội địa Việt Nam bị tụt hậu so với thế giới |
Đứng trên góc độ của những người làm cơ khí, ông Long cho biết, Chính phủ cần thiết phải đưa ra một phương hướng đầu tư, một lộ trình phát triển một số sản phẩm, ngành hàng cơ khí chính yếu, có chọn lọc bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và khả thi thì công nghiệp cơ khí Việt Nam mới có thể phát triển bền vững được trong những năm tới.
Thực tiễn 20 năm qua cho thấy, hiện tại, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn quá lạc hậu với thế giới. Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) mới ở trình độ Công nghiệp 2.0 dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực... thua kém các nước trong khu vực. Từ đó, cơ khí Việt Nam bị thua trên "sân nhà" trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại.
Có thể thấy, hiện tại, về cơ bản, các doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam thuộc nhiều thành phần kinh tế vẫn đang tổ chức sản xuất ở trình độ Công nghiệp 2.0 (trừ khu vực FDI) là công nghệ và quản lý sản xuất mà các nước công nghiệp trên thế giới đã bỏ qua và đặc biệt lại bị chia tách không kết nối được với nhau. Hiện tại, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đạt trình độ Công nghiệp 3.0.
"Thực tế này rất đáng buồn cho cơ khí Việt Nam sau hàng chục năm đã qua. Các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách công nghiệp Việt Nam cần nhìn thẳng sự thật để tìm ra những nguyên nhân chính đã làm cho sản xuất cơ khí nội địa Việt Nam tụt hậu, thua kém các nước như vậy trong nhiều năm qua", ông Long nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng ngành cơ khí đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.
Chính vì vậy, các cam kết tự do thương mại đã và đang tạo thêm áp lực đối với doanh nghiệp trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ, trong khi năng lực cạnh tranh trong nước vẫn chưa cải thiện nhiều.
Thy Lê