Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) - ông Nguyễn Văn Thụ, cho biết cả nước hiện có khoảng 3.100 DN thuộc ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, giá trị gia tăng thấp và năng lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
Èo uột vì lạc hậu
Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị. Ước tính các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.
Điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam là thường làm trọn gói tất cả các công đoạn nên đầu tư bị dàn trải, hiệu quả thấp, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh.
Ông Lê Văn Khương, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), cho rằng ở lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ ngành xây dựng, khó khăn chính là do chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí dẫn đến tình trạng thiếu định hướng tập trung trong phát triển ngành.
Do đó, các sản phẩm chính của ngành hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, giá trị kinh tế thấp, sản xuất trên dây chuyền, nhà máy cũ, phần lớn máy móc, thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài không đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu… khiến các DN thường xuyên sản xuất trong tình trạng bị động.
Ông Nguyễn Huy Sơn, giảng viên khoa Động lực, Học viện Kỹ thuật quân sự, cho rằng với quy mô nhỏ lại quá ôm đồm, dẫn đến sự dàn trải nên DN cơ khí của Việt Nam không cho ra được những sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu tầm khu vực, từ đó rất khó tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng ngành công nghiệp cơ khí không thể cứ ngồi chờ phát triển trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
“Ngành cơ khí cần phải xem toàn bộ cơ chế, chính sách, còn vấn đề nào chưa được phải có kiến nghị, đề nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương… Bộ máy lãnh đạo mới tương đối cởi mở cùng những đề xuất thiết thực của các DN cơ khí sẽ dễ dàng được đáp ứng và hỗ trợ. Khi đó, ngành mới phát triển được. Còn nếu cứ để “tự bơi”, câu chuyện sẽ trở nên phức tạp”, ông Thành nói.
Ngành cơ khí trông chờ chính sách ưu đãi để phát triển
Ưu đãi để “lột xác”
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch DN cơ khí – điện Tp.HCM, chia sẻ với xuất phát điểm thấp hơn các nước nhiều thập kỷ, để phát triển ngành công nghiệp cơ khí rất cần “bàn tay” của Nhà nước.
Theo đó, cần nhiều giải pháp mạnh và đồng bộ như có chính sách thuế phù hợp trong nhập khẩu vật tư cho sản xuất ngành cơ khí, tạo điều kiện thuận lợi DN tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển, đặc biệt hỗ trợ vay vốn để DN đầu tư thiết bị, máy móc, nhà xưởng sản xuất, xây dựng chương trình hỗ trợ DN áp dụng các hệ thống quản lý trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các DN cần nhận thức đầy đủ nhu cầu từ thị trường toàn cầu, hiểu rõ nhu cầu khách hàng như số lượng bao nhiêu, sản phẩm thế nào, giá trị dịch vụ cộng thêm là gì, sự cải tiến được mong đợi…
Trước thực trạng trên, mới đây, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược này vạch rõ mục tiêu, giai đoạn đến năm 2020 sản lượng XK đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45%.
Để thực hiện được mục tiêu, Chiến lược cũng đề ra các chính sách thực hiện, tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế (thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu), các biện pháp hỗ trợ đầu tư và kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển một số loại vật liệu cơ bản phục vụ ngành cơ khí, nhằm tận dụng lợi thế so sánh về nguồn khoáng sản trong nước với trình độ công nghệ tiên tiến.
Qua đó, Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN mua thiết kế, công nghệ đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ giúp tạo lập thị trường ở các phân ngành đã chọn, tạo tiền đề cho ngành cơ khí làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng chế tạo. Ban hành các chế tài để bảo hộ hàng trong nước đã sản xuất được, phù hợp cam kết quốc tế.
Thy Lê