Mới đây, trong văn bản gửi Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khi góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (NK), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế đối với khô dầu đậu nành từ 2% xuống còn 0%.
Việc đề xuất giảm thuế này, theo VCCI, nhằm để bảo đảm đúng nguyên tắc đánh thuế NK nhưng không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.
Lo tác động tiêu cực
VCCI cho rằng mặt hàng đậu nành lên men được sử dụng chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Việc nâng thuế NK đối với mặt hàng này có thể sẽ khiến tăng giá TĂCN, gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.
Được biết, khô dầu đậu nành (thuế suất NK 2%) là nguyên liệu để sản xuất bột đậu nành lên men (thuế suất NK 0%). Theo nguyên tắc, thuế suất NK của nguyên liệu nên bằng hoặc thấp hơn thuế suất NK. Do đó, cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi này đã đề xuất nâng thuế NK của bột đậu nành lên men từ 0% lên 2%.
Giới phân tích cho rằng mức thuế suất 2% của NK khô dầu đậu nành làm tăng giá thành chăn nuôi trong nước, đi ngược lại với xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi.
Trên thực tế, thông qua các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, thịt NK về Việt Nam sẽ có mức thuế ngày càng giảm. Trong khi đó, việc khô dầu đậu nành NK có mức thuế suất cao sẽ làm tăng giá thành chăn nuôi trong nước.
Tuy nhiên, với những nhà sản xuất TĂCN tại Việt Nam, mà ưu thế thuộc về các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, lại có suy nghĩ khác về chuyện này.
Trước đây, tại buổi đối thoại giữa các DN Hàn Quốc tại phía Nam với Bộ Tài chính hồi tháng 9 năm ngoái, ông Kim Je Young, Tổng Giám đốc công ty TNHH Nguyên liệu Thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam thuộc Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), đã bày tỏ băn khoăn về mức thuế suất NK bột đậu nành.
Theo ông Kim Je Young, công ty của ông khi nhập nguyên liệu khô dầu đậu nành để sản xuất bột đậu nành lên men bán tại thị trường TĂCN Việt Nam phải chịu thuế NK 2%, trong khi các DN cùng cạnh tranh trong lĩnh vực này xuất khẩu thành phẩm là bột đậu nành lên men vào Việt Nam có thuế suất 0%.
Sự bất cập trong mức thuế suất như vậy sẽ dẫn đến câu chuyện một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như CJ đã bỏ nhiều vốn ra để đầu tư nhà xưởng, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng tại Việt Nam nhưng rốt cuộc lại bị thiệt thòi, sức cạnh tranh về giá cả kém hơn so với những DN bán thẳng bột đậu nành lên men thành phẩm vào Việt Nam.
Vì vậy, ông Kim Je Young kiến nghị với lãnh đạo Bộ Tài chính cần xem xét điều chỉnh thuế suất NK bột đậu nành lên men ít nhất là bằng hoặc hơn mức thuế mà công ty này đang phải nộp cho việc nhập nguyên liệu khô dầu đậu nành.
Giá thành sản phẩm thịt chịu tác động từ giá nguyên liệu TĂCN |
Quan điểm trái chiều
Điều này, theo lãnh đạo của CJ, là nhằm tạo tính cạnh tranh về giá cả hơn cho các DN trong ngành TĂCN đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo môi trường sản xuất kinh doanh cho các DN sản xuất kinh doanh trong cùng một nhóm ngành và giúp giá thành tốt hơn cho người chăn nuôi.
Trả lời phản ánh này hồi cuối năm 2018, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết bột đậu nành đã lên men và đã chiết chất béo, dùng bổ sung đạm trong thức ăn chăn nuôi thuộc mã số 2309.90.20.
Theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, mức thuế NK ưu đãi MFN của mã hàng 2304.00.90 – "Khô dầu và phế liệu rắn khác, đã hoặc chưa xay hoặc ở dạng viên, thu được từ quá trình chiết xuất dầu đậu tương" trừ "Bột đậu tương đã được khử chất béo, thích hợp dùng làm thức ăn cho người" là 2% (cam kết WTO là 5%). Thuế NK ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định FTA (ACFTA, AKFTA, AIFTA, VKFTA, AJFTA) là 0%, riêng AIFTA là 1% năm 2018.
Vụ Chính sách thuế cũng nhấn mạnh mặt hàng bột đậu nành lên men là 100% khô dầu đậu nành là mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Vì vậy, căn cứ nguyên tắc ban hành thuế suất quy định tại Điều 10 Luật Thuế xuất khẩu, thuế NK, Bộ Tài chính ghi nhận để phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu trình Chính phủ trong quá trình sửa đổi Nghị định 125/2017/ NĐ- CP thời gian tới.
Như vậy, có thể thấy những quan điểm trái chiều về mức thuế suất 2% của khô dầu đậu nành NK. VCCI đứng ở góc độ lo ngại nâng thuế NK 2% đối với mặt hàng khô dầu đậu nành có thể sẽ khiến tăng giá TĂCN, trong khi một DN FDI trong ngành chế biến TĂCN thì lại muốn bột đậu nành thành phẩm phải có mức thuế suất bằng hoặc cao hơn hơn mức thuế nhập nguyên liệu khô dầu đậu nành.
Nếu mức thuế suất NK 2% được áp dụng cho bột đậu nành lên men, hàng năm ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 1,3 triệu USD. Tuy nhiên, việc tăng giá thành chăn nuôi từ mức thuế suất này vẫn là vấn đề tranh cãi.
Giới chuyên gia cho rằng TĂCN đang chiếm 70% giá thành chăn nuôi, nên việc giảm thuế nguyên liệu TĂCN vẫn cần được ưu tiên hơn nhằm tạo điều kiện cho DN tiết kiệm các chi phí sản xuất để giá TĂCN của Việt Nam được hạ xuống, nhằm tạo lợi thế cho ngành chăn nuôi.
Thế Vinh