Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết Cục Chăn nuôi năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, chiều 25/12.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm, góp phần giữ vững mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước và bước đầu có xuất khẩu.
Được cả mùa và giá
Năm 2018, đàn lợn tiếp tục tăng trưởng tốt cả về quy mô đầu con và sản lượng vượt so với kế hoạch năm 2018 đề ra. Ước tính, trong năm 2018 sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.
Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam… sau khi phục hồi kể từ đợt khủng hoảng năm 2017, quy mô chăn nuôi lợn đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp.
Về thị trường, giá thịt lợn bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2018 sau đúng một năm xuống thấp. Giá lợn hơi tiêu chuẩn loại siêu nạc có khối lượng từ 100-120 kg/con đã vượt ngưỡng 30.000 đồng/kg và tăng lên 35.000-38.000 đồng/ kg trong tháng 4-5/2018, sau đó tăng cao lên 50.000-53.000 đồng/kg trong suốt quý III/2018, có thời điểm có vùng thịt lợn hơi tăng cao lên 55.000 – 58.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ, hiện nay, giá lợn hơi xuất chuồng bình quân tại các tỉnh miền Bắc duy trì ở mức 44.000 – 46.000 đồng/kg, miền Trung 47.000 – 48.000 đồng/ kg, miền Nam 48.000 – 50.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, Cục Chăn nuôi cho biết đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương thúc đẩy phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường.
Cục cũng đang tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai xuất khẩu mạnh thịt lợn sang Myanmar, xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản và xuất khẩu lợn sữa, lợn choai sang Hồng Kông, Singapore, Malaysia…
Những giải pháp đồng bộ này đã góp phần ổn định và phát triển chung ngành chăn nuôi, nhất là ngành hàng thịt lợn. Sản xuất chăn nuôi được mùa, được giá. Cụ thể, thịt lợn đạt khoảng 3,8 triệu tấn (tăng 2,2%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,1 triệu tấn (tăng 11%), sữa tươi đạt 960 ngàn tấn (tăng 9%).
Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định trong năm 2019, ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển đàn lợn. Đặc biệt theo dõi sát về giá cả và thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông để các cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ, kịp thời. Theo đó, duy trì giá lợn hơi ở mức 40.000 – 45.000 đồng/ kg, giá thành xuống dưới 35.000 đồng/kg.
So với khu vực, giá thức ăn chăn nuôi Việt Nam chỉ cao hơn Thái Lan |
HTX, doanh nghiệp dẫn dắt
Đặc biệt, ông Dương cho rằng năm 2019, ngành chăn nuôi cần phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra các nước xung quanh và trên thế giới. Để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi phải nâng cao năng suất vật nuôi, giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong đó, ngành chăn nuôi cần chú ý tốt tới khâu giống để có bộ giống tốt như giống cao sản, giống cho phân khúc chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi đặc sản vì có nhiều nguồn gen quý, cũng như đưa ra bộ giống cho từng phân khúc thị trường.
Đặc biệt, hiện nay, Nhà nước cơ bản giảm hết thuế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm các chi phí sản xuất để giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải thấp nhất trong khu vực.
"Thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành chăn nuôi, vì vậy chỉ khi giải được điểm nghẽn này, sản phẩm chăn nuôi mới đủ sức cạnh tranh", ông Dương nhấn mạnh.
Đồng thời, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Ông Dương nhấn mạnh: "Nếu giá thức ăn rẻ, chăn nuôi tốt mà không kiểm soát được dịch bệnh thì cũng vô phương phương cứu chữa".
Bên cạnh đó, trong năm tới, ngành đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp, HTX làm trọng tâm dẫn dắt.
"Điều này sẽ tránh được tình trạng các sản phẩm chăn nuôi của nông dân làm ra mà không biết bán cho ai", ông Dương cho hay.
Thy Lê