Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu 8 chủng loại trái cây của nước này bao gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, chôm chôm và măng cụt (là 8 loại quả Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc) trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019 có xu hướng tăng, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,3%/năm, đạt mức cao nhất vào năm 2019 với 3,6 triệu tấn, tăng 19,7% so với năm 2018 và tăng 37,7% so với năm 2015.
Nhu cầu từ Trung Quốc vẫn dè dặt
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhập khẩu các chủng loại quả này của Trung Quốc bị gián đoạn trong 2 tháng đầu năm do người tiêu dùng bị hạn chế đi lại, các cửa hàng, nhà hàng bị đóng cửa, du lịch bị hạn chế, các liên kết vận chuyển bị gián đoạn. Trong 2 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu 8 chủng loại quả của Trung Quốc đạt 572,9 nghìn tấn, trị giá 436,4 triệu USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Điều này đã tác động không nhỏ tới ngành trái cây của Việt Nam.
Nhu cầu đối với sản phẩm chế biến dự báo tiếp tục tăng (Ảnh: Tư liệu) |
Từ tháng 3/2020, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Trung Quốc, các cửa khẩu, đường mòn lối mở đã được thông quan trở lại, các thị trường đang hồi phục và thương mại trái cây dần quay trở lại. Do đó, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc trong những tháng tới sẽ khả quan hơn so với đầu năm.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, để đảm bảo lượng hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nên chuyển hình thức tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu bằng đường sắt để tránh rủi ro trong thương mại.
Rủi ro này không phải là cảnh báo mà đã thấy rõ trong những ngày gầy đây. Tỉnh Lạng Sơn vừa phải đề xuất tạm dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh để giải quyết thông quan cho hơn 1.000 xe nông sản, chủ yếu là trái cây, gồm: xoài, chuối, thanh long, mít... đang nằm tồn đọng tại cửa khẩu này hơn một tuần.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết điều đó ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ các mặt hàng trái cây, nhưng không bất ngờ vì tình huống đã được dự báo trước. Hiệp hội đã nhận được khuyến cáo của ngành nông nghiệp về việc tạm dừng đưa hàng lên biên giới Lạng Sơn và đã gửi đến các doanh nghiệp hội viên để thực hiện.
"Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã khuyến cáo người trồng điều chỉnh sản xuất, giảm sản lượng. Nhờ vậy, thanh long - loại quả có kim ngạch xuất khẩu cao nhất đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, các mặt hàng mang tính chất mùa vụ như: xoài, dưa hấu không điều chỉnh được sản lượng phải chịu rớt giá", ông Nguyên nói.
Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi phục nhưng sức mua vẫn dè dặt. Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho hay giá thanh long tại vườn hiện nay từ 15.000 - 20.000 đồng/kg (ruột đỏ), 10.000 - 12.000 đồng/kg (ruột trắng), cho thấy thị trường Trung Quốc vẫn "ăn hàng" nhưng chậm.
Một số doanh nghiệp trái cây cũng cho biết nhiều đối tác tại các tỉnh biên giới Trung Quốc đã bắt đầu đặt trái cây. Hoạt động mua bán trái cây xuất khẩu bắt đầu khởi động trở lại sau nhiều tuần đình đốn. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên tình hình thông quan vẫn rất chậm chạp, doanh nghiệp chưa dám đẩy mạnh xuất khẩu, "ôm hàng" với số lượng lớn.
Trái cây chế biến không lo ế
Các chuyên gia trong ngành cho rằng thị trường Trung Quốc trầm lắng, đây là giai đoạn để ngành trái cây tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc và tái cơ cấu lại sản xuất.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp nên đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để đa dạng sản phẩm chế biến từ trái cây. Vừa qua, chủng loại sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt 94,8 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu sang các thị trường chính vẫn tăng như: Trung Quốc đạt 17 triệu USD, tăng 24,5%; Hàn Quốc đạt 14 triệu USD, tăng 3,1%; Nhật Bản đạt 8,9 triệu USD, tăng 3,1%; Mỹ đạt 7,9 triệu USD, tăng 16,7%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản..., nhu cầu đối với sản phẩm chế biến dự báo tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Đây là thời điểm để rà soát những diện tích đã cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp chứng nhận VietGAP. Ví dụ với mặt hàng quả vải, dù phía Trung Quốc chưa yêu cầu nhưng khi sang Việt Nam, vùng trồng nào được cấp mã số đi các nước phát triển, vùng nào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì phía Trung Quốc nhanh chóng đặt mua, giá khá cạnh tranh. Vì vậy, Việt Nam nên chủ động trước, tổ chức sản xuất, đánh giá, hướng dẫn bà con sản xuất, cấp chứng nhận VietGAP, chờ thị trường Trung Quốc phục hồi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách cho bà con nông dân liên kết thành từng nhóm, tổ, HTX để sản xuất trái cây không chỉ bán cho Trung Quốc mà còn bán cho các nước phát triển. Đây là sản xuất hàng hoá, cần có những chính sách thúc đẩy sản xuất. Ví dụ, chương trình 15.000 HTX, hình thành HTX kiểu mới, có đầu ra ổn định. Việc đưa tiến bộ kỹ thuật, tiến bộ sản xuất vào cũng khá thuận lợi. Đó là hướng mà Trung Quốc, Thái Lan đang đi, Việt Nam cũng cần làm mạnh hơn để có trái cây tốt phục vụ xuất khẩu cũng như thị trường nội địa.
Về phần Bộ NN&PTNT, ông Dương cho biết đã có kế hoạch cụ thể để mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiên nay, mặt hàng đang được thúc đẩy khá tích cực là sầu riêng. Bắt đầu nộp hồ sơ từ đầu năm 2019, hy vọng đến năm 2020, sầu riêng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sau sầu riêng, các loại trái cây tiềm năng khác sẽ được thúc đẩy mở cửa thị trường tại Trung Quốc là dừa, bưởi, chanh leo, na, bơ.
Lê Thúy