Ở góc độ một chủ doanh nghiệp (DN) có kinh nghiệm nhiều năm phát triển thị trường trái cây sấy ở Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, Phó chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhấn mạnh làm ăn với thị trường Trung Quốc đòi hỏi phải có sự chuẩn bị. Đây là điều mà các DN Việt cần phải hết sức lưu ý.
Để thoát “cửa tử”
“Nếu chúng ta không có chuẩn bị và không am hiểu gì về thị trường này thì sẽ khá là liều lĩnh”, ông Viên nói.
Điều đó có thể thấy được vào ngành hàng trái cây như hiện nay trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 từ Trung Quốc cũng như các sự cố dội hàng trước đây từ thị trường này.
Ngành hàng trái cây cần có “nhạc trưởng” điều phối sản xuất và xuất khẩu |
Đó là là sự chủ quan, thiếu chuẩn bị, thiếu am hiểu thị trường, mạnh ai nấy làm một cách tự phát, bị thương lái lừa bịp, ép giá... và rốt cuộc là lãnh lấy những bất trắc dù cho cơ quan quản lý, các hiệp hội, truyền thông đã cảnh báo rất nhiều.
Theo ông Viên, đối với thị trường Trung Quốc, điều quan trọng là cần tìm hiểu trước cho cặn kẽ, nếu chủ DN Việt tập trung mạnh cho thị trường này thì cũng nên biết tiếng Hoa. Có người hỏi thương nhân Trung Quốc xấu hay tốt, thì hãy cứ tưởng tượng rằng ở Việt Nam về các loại thương nhân. Chẳng hạn thương nhân ở chợ Bình Tây (Tp.HCM) mà ở đó có cả sự cạnh tranh “sống chết” mỗi ngày để tồn tại của từng mặt hàng được thương nhân lựa chọn.
Từ sự “sống chết” này mà thương nhân đóng vai trò quyết định, mới thấy rằng ngành hàng trái cây - vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, đang thiếu đi một “nhạc trưởng” với vai trò điều phối để thoát “cửa tử” khi có biến động thị trường.
Giới chuyên gia đề xuất với ngành hàng trái cây nên có “nhạc trưởng” trong điều phối sản xuất và xuất khẩu, nhất là cần tổ chức thành những trung tâm điều phối ngành hàng đối với những mặt hàng trái cây xuất khẩu chính.
Có ý kiến cho rằng vai trò “nhạc trưởng” điều phối ngành hàng trái cây cần được xã hội hóa cho các hiệp hội doanh nghiệp, được trao nhiều quyền lực hơn trong định hướng sản xuất cũng như xuất khẩu. Thế nhưng, cần thấy rõ thực tế là một số hiệp hội trong ngành hàng này vẫn chưa chứng tỏ vai trò của mình khi có biến động thị trường.
Và vì thiếu đi “nhạc trưởng” điều phối nên vấn đề lo đầu ra, tới mùa thu hoạch rộ lại mất giá luôn là nỗi lo thường trực của ngành hàng trái cây Việt dù với ưu thế sẵn có là nhiều giống trái cây ngon, nhà vườn lại có thể cho trái bất cứ lúc nào. Nhìn vào tình hình “giải cứu” nhiều loại trái cây tươi hiện giờ vì “bí” đầu ra ở thị trường Trung Quốc đã cho thấy điều đó.
Chờ Nhà nước kết nối
Ngay như trong vấn đề liên kết của ngành hàng này, theo PGS.Ts Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nông dân sẵn sàng liên kết sản xuất theo kiểu mới, miễn là bán được hàng với giá cao. Nghĩa là họ sẽ cùng sản xuất một thứ trái, sản xuất theo cùng một quy trình.
“Mặc dù nông dân đã sẵn sàng, nhưng vấn đề là ai đứng ra để nói với nhà vườn nên sản xuất theo cách mới? Theo tôi nghĩ chỉ có Nhà nước, vì chỉ có Nhà nước mới tạo ra chính sách để khuyến khích nông dân hợp tác”, ông Châu chia sẻ.
Theo ông Châu, việc tổ chức lại sản xuất ngành hàng trái cây theo cách Nhà nước hỗ trợ tích cực hơn nữa, thể hiện rõ vai trò “nhạc trưởng” để nông dân liên kết với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ như kiểu Nhật Bản, Đài Loan.
Trong mối liên kết 4 nhà, trong hoàn cảnh hiện nay, Nhà nước nên giữ vai trò “nhạc trưởng” tích cực hơn để hình thành vùng chuyên canh lớn, nhằm đưa được sản phẩm vào các siêu thị trong nước như Nhật Bản đã làm rất tốt.
Không có tiếng nói, vai trò của Nhà nước thì không có vùng chuyên canh, khó có HTX kiểu mới, và sản phẩm khó được đưa vào các siêu thị. Kinh nghiệm của Nhật Bản là Nhà nước phải làm vai trò kết nối 3 nhà còn lại.
Đối với xuất khẩu, Nhà nước nên tổ chức lại, xây dựng mô hình một công ty có thương hiệu, ngay từ bây giờ, bắt đầu bằng công ty xuất khẩu thanh long, xoài cát chu, bưởi da xanh, chuối già, nhãn, chôm chôm, vải…
“Làm như vậy thì tôi nghĩ trong thời gian tới đây, bức tranh xuất khẩu trái cây còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, người nông dân sẽ giàu có hơn, như nông dân Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, là những nơi mà diện tích canh tác từng hộ của họ cũng nhỏ như nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nhờ có cách làm đúng mà không có cảnh được mùa, mất giá như ở mình”, ông Châu bộc bạch.
Nhất là Nhà nước có thể hỗ trợ để Việt Nam có một công ty lo xuất khẩu chỉ 1 - 2 loại trái đặc sản, để từ đó tổ chức lại sản xuất và đóng gói theo cùng một quy cách.
Nhà nước nên quan tâm kêu gọi doanh nghiệp gắn kết với nông dân xây dựng mô hình sản xuất theo hợp đồng, để dần dần trong vòng 10 năm tới, Việt Nam có 1-2 thương hiệu xuất khẩu trái cây Việt Nam có tiếng, có uy tín trên thế giới.
Và để tăng tính bền vững cho ngành hàng trái cây Việt, các địa phương cũng nên khuyến khích các DN xây dựng chuỗi cung ứng lạnh, phòng ủ chín trái cây. Đây là quy trình đang được áp dụng ở các nước tiên tiến. Có như vậy, ngay cả khi thị trường xuất khẩu có biến động thì người tiêu dùng trong nước vẫn an tâm để mua trái cây Việt.
Thế Vinh