Lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang vào chính vụ, lượng hàng hóa dồn đến cửa khẩu nhiều hơn so với năng lực xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), hiện nay tất cả cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên tuyến biên giới đất liền giáp với Trung Quốc đã được thực hiện xuất nhập khẩu (XNK), mua bán, trao đổi hàng hóa và có kết quả khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn lượng hàng hóa, chủ yếu là nông sản đang tồn ở cửa khẩu, chờ làm thủ tục xuất khẩu.
Xuất khẩu đang phục hồi
Tính từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3/2020, có hơn 30.000 xe hàng các loại đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ. Các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh đều đã đẩy mạnh các biện pháp xuất khẩu hàng hóa, bố trí khu vực cách ly để giao nhận hàng, vừa bảo đảm mục tiêu thông quan nhanh vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, chỉ tính riêng cửa khẩu Chi Ma khôi phục hoạt động giao thương trở lại (ngày 26/2/2020) đến nay, tổng kim ngạch XNK đã đạt trên 37 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Tính từ ngày 26/2 đến hết 27/3, Hải quan Chi Ma đã làm thủ tục thông quan cho 1.438 xe hàng với tổng kim ngạch đạt trên 37 triệu USD, tăng 24,4%. Trung bình mỗi ngày tại cửa khẩu Chi Ma, lực lượng Hải quan đã phối hợp với Biên phòng, Kiểm kịch làm thủ tục thông quan được xuất được gần 70 xe hàng.
Mặc dù nhiều cửa khẩu biên giới đã được tiếp tục thông quan hàng hóa từ cuối tháng 2, tuy nhiên, tình trạng ùn ứ vẫn còn xảy ra ở hầu hết các cửa khẩu. Chẳng hạn, cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đang tồn đọng khoảng 700 xe nông sản; cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị tồn đọng khoảng 600 xe...
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân hạn chế vận chuyển hàng lên biên giới, và cho rằng chỉ nên đưa hàng lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng. Để đảm bảo lợi ích, người dân cần liên hệ với đối tác Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Đồng thời, theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu để khi trở lại Việt Nam không phải áp dụng biện pháp cách ly.
Lo tái diễn tình trạng ù ứ
Trong báo cáo về tình hình thông quan hàng hoá tháng 3, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện đang có hàng nghìn xe hàng hóa xuất khẩu ùn ứ tại các cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc và kể cả Lào, Campuchia.
Theo cơ quan này, tại các cửa khẩu biên giới phía bắc bị ùn ứ hàng hóa đặc biệt là các cửa khẩu của Lạng Sơn (ngày 23/3/2020 tồn 1.277 xe chủ yếu là nông sản, hoa quả) và Lào Cai (tồn 172 xe chủ yếu là nông sản, hoa quả).
Việc tồn nhiều xe hàng xuất khẩu là do Việt Nam và Trung Quốc tăng cường siết chặt công tác kiểm dịch y tế dẫn đến thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa tăng. Cùng với đó, lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang vào chính vụ, lượng hàng hóa dồn đến cửa khẩu nhiều hơn so với năng lực xuất khẩu.
Thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh sau khi khống chế dịch vào tháng 3 cùng với các chính sách khuyến khích hồi phục đồng bộ quyết liệt. Đây sẽ là cơ hội dành cho việc tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản. Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực để tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định. |
Ngoài ra, việc quy định thời gian xuất khẩu chỉ giới hạn thực hiện trong giờ hành chính, trong khi đó, năng lực bốc xếp hàng hóa hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hoá.
Tại các cửa khẩu miền Trung và miền Tây Nam Bộ kể từ khi các nước thực hiện cách ly 14 ngày đối với người điều khiển phương tiện vận tải khi đi qua biên giới (các lái xe khi vận chuyển hàng hóa từ Lào, Cam pu chia về Việt Nam phải đưa vào các khu vực cách ly), dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, tương tự như đã xảy ra tại các cửa khẩu thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm đầu tháng 2/2020".
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn những diễn biến khó lường, khó đoán định khi nào dịch kết thúc, sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu. Do đó, nguy có có thể tái diễn tình trạng ùn ứ trong thời gian tới. Đưa ra giải pháp, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay ở cửa khẩu Lạng Sơn đang triển khai đàm phán với Hải quan Nam Ninh khu vực của Trung Quốc về việc xuất nhập khẩu tại đường bộ Cửa khẩu Bình Nghi và phương án đưa lao động Việt Nam qua bốc xếp hàng hóa sang tải tại bãi xe Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực thông quan nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Cục Hải quan Lào Cai phối hợp với Trung Quốc thực hiện giải pháp cho lái xe, người giao hàng Trung Quốc sang Việt Nam chở hàng đến khu vực giao hàng tại cửa khẩu, không đi sâu vào nội địa, người điều khiển phương tiện phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang phòng dịch.
Hoàng Hà