Ở góc độ một doanh nghiệp (DN) có 20ha chanh dây và hơn 100ha khoai lang tím Nhật vốn lâu nay chỉ tập trung thị trường nội địa và xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc, ông Đỗ Trọng Khải, Giám đốc Công ty CHM Agrico, thừa nhận làm với thị trường Trung Quốc thì cứ thu hoạch rồi lên xe và đi, nhưng rủi ro quá cao!
Khó xoay chuyển tình thế
Trong khi đó, để tìm kiếm cơ hội từ những thị trường khác lý tưởng hơn, theo ông Khải, vấn đề khó khăn nhất mà công ty đang vướng là khâu bảo quản sau thu hoạch và tốn kém nhiều chi phí vận chuyển. Chẳng hạn, giá bán 1kg chanh dây 45.000 đồng, nhưng chi phí vận chuyển bằng đường hàng không lên tới... 85.000 đồng.
Trái cây Việt gặp thách thức lớn trong việc chuyển hướng thị trường xuất khẩu |
Đơn cử như việc tiếp cận thị trường EU, ông Khải cho rằng việc ghi chép, truy xuất nguồn gốc rất quan trọng. Hoặc với các nhà bán lẻ ngoại bên ngoài thị trường Trung Quốc thì họ đến tận nơi xem có đáp ứng được tiêu chuẩn XK của nước mình không? Và nên dùng máy móc thiết bị nào là phù hợp, cách trồng như thế nào là đúng quy cách…?
Còn theo ông Fukui Tomoaki, Tổng quản lý cấp cao bộ phận sản phẩm của Aeon Nhật Bản, hiện mới chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp (DN) XK trái cây, thuỷ sản sang hệ thống Aeon ở Nhật Bản, chưa nhiều so với tiềm năng.
Mặc dù vậy, ông Fukui nhấn mạnh số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Quan trọng là truy xuất nguồn gốc là điều luôn bắt buộc, và nhất là nhà cung cấp cần hiểu về nơi muốn xuất hàng.
Có thể nói, việc thâm nhập những thị trường chủ lực khác nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là điều mà ngành trái cây Việt XK đã, đang và sẽ nghĩ đến. Tuy nhiên, để thâm nhập như thế nào là điều không đơn giản khi mà những thị trường khác luôn có những đòi hỏi khắt khe.
Nhận định mới đây của Bộ Công Thương trong bối cảnh XK nông sản sang Trung Quốc gặp khó khăn bởi dịch virus Corona rất đáng lưu tâm khi cho rằng trái cây nói riêng và nông sản nói chung “không dễ chuyển hướng thị trường”. Nguyên nhân được chỉ rõ là vì “chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức; hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì…”.
Hơn nữa, mặt hàng trái cây vốn chịu sức ép thời vụ và bảo quản nên khi thị trường Trung Quốc “có vấn đề” thì rất khó xoay chuyển tình thế, khó chuyển hướng thị trường trong thời gian ngắn.
Bộ Công Thương cũng có đề nghị Bộ NN&PTNT tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây - vốn có thời gian bảo quản rất ngắn.
Mặt khác, Bộ Công Thương còn đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.
Chuyển đổi để thích ứng
Giới phân tích đánh giá thách thức lớn trong việc chuyển hướng thị trường cho XK trái cây Việt hiện nay là cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm.
Ngay như Trung Quốc thời gian qua cũng đã yêu cầu chất lượng rau quả nhập khẩu ngày càng cao, có truy xuất nguồn gốc. Còn EU thì rà soát, siết chặt quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ XK trái cây.
Hiện nay, EU đang tiếp tục dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt nhập khẩu từ Việt Nam. Chẳng hạn cách đây hơn 1 năm, EU thông báo thay đổi quy định kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu từ Regulation số 669/2009 chuyển sang Regulation số 1660/2018 đối với trái thanh long Việt Nam, tần suất kiểm tra thanh long là 10%.
Hoặc như hướng XK trái cây vào thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết phía Mỹ tăng cường kiểm soát kỹ thuật thương mại, cơ chế kiểm dịch thông qua các tiêu chuẩn như: GMP, ISO, HACCP, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Và muốn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Mỹ đối với ngành hàng trái cây Việt thì phải quan tâm từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch đến xử lý sau thu hoạch, bảo quản, vận chuyển…
Trong khi đó, các DN XK trái cây của Việt Nam do chưa nắm rõ hệ thống quy định về pháp luật của Mỹ thường cảm thấy khó chuyển hướng xuất hàng vào thị trường này.
Thực ra, việc chuyển hướng thị trường sẽ trở nên dễ dàng hơn, đầu ra sẽ rộng mở hơn nếu như các DN XK trái cây đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn và sẵn sàng “chuyển đổi để thích ứng” với những thị trường này.
Bên cạnh đó, trước những xu hướng thay đổi của thị trường trái cây tươi trên toàn cầu, ngành trái cây Việt cũng cần định vị lại chiến lược phát triển thị trường XK nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm và nhu cầu của các thị trường nhập khẩu giá trị cao. Nhất là cần nắm bắt thị hiếu và sở thích tại các thị trường mục tiêu để việc chuyển hướng được hiệu quả hơn.
Thế Vinh