Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2019) là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Quảng Ninh có năm thứ 3 liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI (Ảnh: Internet) |
Với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp, PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Đặc biệt, lần đầu tiên, báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hoá trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.
Đáng chú ý, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), cho biết Quảng Ninh có năm thứ 3 liên tiếp chiếm vị trí quán quân PCI, điểm số tăng so với năm trước. Đồng Tháp có 12 năm liên tiếp đứng trong top 3, cơ sở hạ tầng của tỉnh này còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp khá hài lòng về bộ máy hành chính ở Đồng Tháp.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Long trở lại nhóm 3, Bắc Ninh vào trong 4. Top 10 tỉnh đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI có các tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, Long An, Bến Tre, Hà Nội. Đây sẽ là "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt cải cách về môi trường kinh doanh trong thời gian tới.
Bên cạnh các tỉnh xếp đầu, ông Tuấn cho biết các tỉnh xếp hạng nhóm cuối là Lai Châu, Đăk Nông, Bình Phước, Lai Châu, Bắc Kạn. Điểm số nhóm các tỉnh xếp cuối trong bảng xếp hạng đang cải thiện rất nhanh.
"Cách đây 6-7 năm, quá trình cải cách môi trường kinh doanh chỉ ở một số tỉnh, thành phố, nay diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố", ông Tuấn đánh giá.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết kết quả PCI - 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Lê Thúy