Cuối năm ngoái, tại một diễn đàn kết nối cung – cầu nông sản ở Tp.HCM, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đã hỏi ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc công ty Vina T&T – chủ một doanh nghiệp (DN) có thâm niên xuất khẩu (XK) nông sản: kỳ vọng kim ngạch XK nông sản của Việt Nam trong hai năm tới sẽ đạt ở mức nào?
Vòng xoáy giá giảm
Ông Tùng đã nói thẳng rằng hai năm nữa là hai năm khó khăn. Nhưng sau hai năm đó, nếu nông sản Việt đi theo đúng chiều hướng tích cực, thích ứng với các thị trường XK khó tính thì sẽ rất phát triển.
Tổng giám đốc Vina T&T đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà tỏ ra lo lắng về tính ổn định tại các thị trường XK lớn.
Giá cả nông sản XK trên thị trường thế giới bất ổn trong thời gian qua đã phần nào khiến một DN dù có thâm niên XK cũng khó có thể dự đoán một cách chính xác.
Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch XK nhóm hàng nông thủy sản đã giảm đến 5,1% trong 4 tháng đầu năm 2019.
Có tới 6/9 mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018: thủy sản giảm 1,3%, cà phê giảm 22,6%, gạo giảm 21,7%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 4,5%, hạt điều giảm 16,9% (sản lượng tăng 5%), hạt tiêu giảm 12,2% (sản lượng tăng 18,6%)
Bộ Công Thương cho rằng XK nông, thủy sản của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 có nhiều khó khăn do nhu cầu và giá XK giảm. Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2019 có đến 5/7 mặt hàng nông sản có giá sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá XK bình quân hạt điều giảm mạnh 20,8%, giá cà phê giảm 10,4%, hạt tiêu giảm 25,9%, gạo giảm 14,9%, cao su giảm 8,7%.
Giá hồ tiêu XK lao dốc mạnh nhất so với các nông sản khác vốn dĩ đã được dự báo từ trước đó. Nông dân trồng tiêu không thể cầm cự lâu dài và đang lâm vào cảnh khó khăn.
Chưa kể, theo phản ánh mới đây, có gần 10.200ha hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên bị chết hàng loạt (do nhiều nguyên nhân, nhiều nhất là ở tỉnh Gia Lai) làm cho người trồng tiêu rơi vào vòng xoáy nợ nần. Nhiều nông dân vay vốn không trả được nợ đã rời bỏ địa phương đi nơi khác vì không hy vọng vào giá tiêu phục hồi, khiến các ngân hàng cho vay thêm gánh nặng nợ xấu.
Nông sản Việt vẫn có mức giá cao nếu biết tăng giá trị |
Chờ gia tăng giá trị
Với mặt hàng gạo, giá XK sang các thị trường hàng đầu đã giảm mạnh. Đơn cử như Philippines là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng gạo XK sang thị trường này chiếm khoảng 38% thị phần, nhưng giá gạo XK bình quân đã giảm khoảng 13%, xuống 393 USD/tấn.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho mặt hàng gạo, đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Trong đó, sẽ chú trọng thúc đẩy giao dịch các hợp đồng thương mại tại các thị trường có hợp đồng tập trung.
Mặt khác, trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do và hiệp định thương mại song phương sẽ ưu tiên tìm kiếm ưu đãi cho mặt hàng gạo, mặc dù cũng rất khó khăn do đối với nhiều đối tác thì gạo là mặt hàng rất nhạy cảm, không muốn cam kết hoặc cam kết ở mức thấp.
Hoặc như với XK cà phê, thị trường cà phê toàn cầu được cho là vẫn phải chịu áp lực dư cung đã ảnh hưởng đến kim ngạch XK cà phê của Việt Nam trong 4 tháng qua. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo trong nửa đầu năm nay, thị trường cà phê toàn cầu vẫn phải chịu áp lực dư cung, đồng thời kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu tiêu thụ cà phê.
XK cà phê của Việt Nam đã và đang chịu tác động trực tiếp từ thị trường cà phê thế giới. Trong 4 tháng qua, giá cà phê toàn cầu ở mức thấp và kim ngạch XK cà phê của Việt Nam đã giảm 22,6% so cùng kỳ năm ngoái thể hiện rõ điều đó.
Dự báo giá nông sản tương lai sẽ tiếp tục theo chiều hướng không mấy khả quan. Chẳng hạn, giá gạo giao dịch được giới chuyên gia dự báo sẽ giảm khoảng 10%, từ 423 USD/tấn năm 2014 xuống còn 380 USD/ tấn vào năm 2025 (theo chuẩn 5% gạo tấm Thái Lan). Hoặc như giá cà phê vối (robusta) cũng bị dự báo giảm từ 2.200 USD/tấn xuống còn 1.800 USD/tấn.
Vẫn có những kỳ vọng giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực sẽ được phục hồi trong tương lai, nhưng trước "bức tranh" xám xịt về giá của một số loại nông sản XK mới thấy tầm quan trọng của việc tăng giá trị cho nông sản Việt là hết sức cấp thiết. Lâu nay, phần lớn sản phẩm nông nghiệp XK của Việt Nam vẫn ở dạng thô và gần như không được người sử dụng hay người tiêu dùng cuối cùng biết đến.
Thế Vinh