Là doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến và xuất khẩu (XK) trên 30 loại sản phẩm nước ép trái cây và rau củ đông lạnh sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc..., ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch CTCP Nafoods Group, cho biết thành quả này là nhờ DN phát triển nguồn nguyên liệu bằng cách tổ chức theo hình thức liên kết với địa phương, nông dân để sản xuất nguyên liệu.
"Trên cơ sở có nguồn nguyên liệu đảm bảo số lượng, chất lượng, Nafoods Group mới xây dựng được các dự án chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản và đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản sản xuất, tránh được tình trạng được mùa mất giá và dư thừa như hiện nay", ông Hùng chia sẻ.
Sản xuất nhỏ lẻ
Nhìn vào thực tế ngành nông nghiệp hiện nay, những mô hình liên kết, chuỗi sản xuất hiệu quả vẫn còn khá hạn chế. Những ngày gần đây, "chiến dịch giải cứu" khoai lang giúp nông dân Gia Lai một lần nữa bất đắc dĩ phải triển khai trước tình thế hàng trăm héc ta khoai lang Nhật ở tỉnh này tới ngày thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra là một minh chứng rõ nét cho câu chuyện thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Hay Lạng Sơn mặc dù đã xây dựng được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa và có tiềm năng để liên kết theo chuỗi giá trị như sản phẩm Hoa Hồi Lạng Sơn, Na Chi Lăng, nhưng đa phần sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất.
Tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm chưa đủ lớn và ổn định.
Theo đại diện tỉnh Lạng Sơn, DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, mới tập trung ở khâu thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết giữa DN và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết trong năm 2019 và trong giai đoạn tới, hành trình đưa nông sản Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức lớn.
Đặc biệt, nhiều nước trên thế giới đã quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, kể cả các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc..., nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong XK.
Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó là việc thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam; Đạo luật Farm Bill và chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, bởi vậy nhiệm vụ phải tổ chức lại nền sản xuất rất quan trọng.
"Chúng ta đều biết nền sản xuất nông nghiệp hiện nay dựa trên các hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu dân. Cần chuyển nền sản xuất nhỏ lẻ đó thành một nền nông nghiệp tập trung, hướng đến hàng hóa và có quản trị", ông Cường chia sẻ.
Khoai lang Nhật ở Gia Lai đang phải giải cứu |
"Bắt tay" để sản xuất lớn
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng câu chuyện phát triển nông nghiệp không phải chỉ là chuyện riêng của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, mà là sự tái cơ cấu một lĩnh vực, một mảng quan trọng của nền kinh tế.
Do đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để làm sao có điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN trong việc sản xuất, kinh doanh; các DN, hiệp hội ngành hàng sẽ là hạt nhân của chuỗi liên kết.
"Chúng ta có 1 vạn DN trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp và 4,9 vạn DN chế biến tham gia trong các phân khúc khác nhau. Đây là thành tố tốt để phát triển nhiều HTX trong chương trình phát triển 5 vạn HTX, từ đó hình thành chuỗi liên kết giữa 8,6 triệu nông dân với 5 vạn HTX và các DN kể trên", ông Cường cho biết.
Trong đó, vai trò của HTX là cực kỳ quan trọng ở giai đoạn hiện nay. Để HTX kiểu mới phát triển nhanh, trở thành nhân tố liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp, đa phần các ý kiến cho rằng cần xây dựng và tăng cường củng cố các HTX trên tinh thần lấy HTX làm đầu mối liên kết với các DN, thương lái.
Cùng với đó, đại diện Nafoods Group kiến nghị Nhà nước nghiên cứu chính sách để DN có thể tổ chức sản xuất trên quy mô lớn. Phát triển nông nghiệp sản xuất lớn cho phép thực hiện mô hình chuỗi giá trị nông sản dưới sự liên kết mạnh mẽ giữa nông dân với DN.
Nếu sản xuất có quy mô đủ lớn, DN mới có đủ điều kiện tăng cường đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, giảm chi phí giá thành và tạo ra những sản phẩm tốt đáp ứng đòi hỏi về an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững, tính cạnh tranh cao. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách để DN có đất đai mở rộng sản xuất, tạo liên kết chuỗi giá trị.
Đồng thời, một chuỗi giá trị nông sản muốn tồn tại và phát triển bền vững phải có thị trường tiêu thụ ổn định. Nhà nước cần có chính sách để DN có điều kiện kết nối thị trường tốt hơn thông qua các hình thức hội chợ, triển lãm, ngoại giao..., cũng như có chính sách xây dựng thương hiệu các sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Đại diện CTCP Tập đoàn Dabaco nhấn mạnh Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng cần phải gắn kết và kiểm soát chặt giữa khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ, qua đó đẩy mạnh kết nối giữa DN thu mua, phân phối, tiêu thụ trong nước và XK.
Việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân thông qua hợp đồng hợp tác giữa DN với HTX kiểu mới nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm và bị tư thương ép giá ở các địa phương như hiện nay.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Một nông dân không thể hội nhập, không thể cung ứng đủ sản phẩm cho một thị trường rộng lớn. Nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất bằng sự liên kết với nhau, ví như vào HTX hoặc tự khởi nghiệp. Tôi rất hoan nghênh khi nhiều em học xong đại học đã trở về quê sản xuất nông nghiệp với một tâm thế hoàn toàn mới. Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Việc chủ động, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã giúp hàng nông, thủy sản Việt Nam cơ bản không còn gặp trở ngại đối với các rào cản thuế quan. Tuy nhiên, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch... đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu đang đặt ra thách thức rất lớn cho hoạt động sản xuất hàng nông sản XK của Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường đã hình thành từ lâu nay. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch CTCP Nafoods Group Để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cần đổi mới sản xuất nông nghiệp thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác với DN, trong đó DN giữ vai trò nòng cốt. Để tăng cường vai trò của Nhà nước và địa phương trong phát triển chuỗi giá trị, Nhà nước cần đổi mới thể chế, nâng cao năng lực điều phối giữa các khâu và các tác nhân tham gia chuỗi nông sản hiệu quả và bền vững. |