Phác họa về chuỗi giá trị nông sản ở trong nước, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, cho biết đang phát triển mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng logistics.
Mô hình này lấy thị trường làm trọng tâm, sau đó xây dựng các nhà máy lớn, xung quanh mỗi nhà máy là 3 – 4 trung tâm hỗ trợ nông dân. Từ trung tâm hỗ trợ nông dân sẽ kết nối với khoảng 50 – 100 hợp tác xã (HTX) và có khoảng 10.000ha vùng trồng.
Nguồn lực của chuỗi
"Mô hình này đang rất thành công ở tỉnh Tây Ninh. Điển hình là nhà máy chế biến rau củ, trái cây Tanifood với vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng do CTCP Lavifood đầu tư. Các rau củ quả của nông dân đưa về nhà máy công nghệ cao và từ đây xuất khẩu (XK) đi Mỹ, Australia và các nước trên thế giới", ông Thành chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ có mô hình của chuỗi giá trị mới thúc đẩy được sản phẩm nông sản của HTX, nông dân đi xa. Mô hình chuỗi giá trị nông sản này phải đặt trên nền tảng logistics vì đây là mặt thiếu hiện nay, từ hệ thống tổng kho, hệ thống xe vận chuyển chuyên dụng…
Một đơn vị nhỏ lẻ không bao giờ đủ chi phí để đưa sản phẩm nông sản ra nước ngoài. Vì vậy, trong việc huy động nguồn lực cho chuỗi giá trị để đưa rau củ quả ra nước ngoài (đang được tập trung phát triển khi XK năm 2018 đã đạt hơn 4,8 tỷ USD) cần huy động các doanh nghiệp (DN) lớn và huy động nguồn lực từ các ngân hàng tham gia cho vay trong chuỗi giá trị.
Ông Thành đưa ra dẫn chứng từ đối tác là một ngân hàng lớn hiện đang cho các thành viên HTX, các nông dân và nhà máy, DN vay vốn đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản. Qua đó cho thấy nếu như một đơn vị hoạt động rời rạc, thiếu kết nối và thiếu đi việc huy động nguồn lực, trong đó có nguồn vốn vay để hình thành nên chuỗi giá trị sẽ rất khó để đưa nông sản ra nước ngoài, nhưng nếu hợp lại thành chuỗi giá trị thì DN sẽ làm thay câu chuyện này.
Để tạo nên các chuỗi giá trị nông sản thực sự hiệu quả, nguồn vốn tín dụng và sản phẩm dịch vụ ngân hàng là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng.
Khi dòng vốn tín dụng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời sẽ góp phần gia tăng đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật cũng như hệ thống phân phối nông sản, tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng, qua đó nâng cao giá trị nông sản Việt.
Tầm quan trọng của nguồn vốn có thể thấy ở một chuỗi giá trị nông sản điển hình như Dự án khu công nghiệp Nông – Lâm nghiệp do CTCP Ô tô Trường Hải khởi công mới đây tại Chu Lai (Quảng Nam) với diện tích 451ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng lên tới 8.118 tỷ đồng.
Nguồn vốn được rót đúng sẽ nâng giá trị nông sản Việt |
Rót đúng chỗ cần
Mức vốn đầu tư "khủng" như vậy rõ ràng là cần nguồn lực từ các DN lớn. Khi hoàn thành (dự kiến vào năm 2022), đây sẽ là khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tập trung mà chính yếu và trước mắt là cây ăn trái, cây lâm nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị nông sản xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng; công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia.
Chia sẻ về việc giảm chi phí từ nguồn vốn vay cho chuỗi giá trị nông sản, giám đốc một ngân hàng kể câu chuyện nhiều nông hộ chăn nuôi lợn ở một tỉnh phía Bắc gặp khó khăn về chi phí quá cao khi mua cám từ các đại lý thức ăn gia súc, nên lãnh đạo tỉnh mong muốn ngân hàng giúp các hộ chăn nuôi được giảm chi phí này.
Khi về địa phương khảo sát thực tế, lãnh đạo ngân hàng và tỉnh đi tới quyết định là ngân hàng sẽ hỗ trợ một khoản vốn tín dụng đáng kể để cho vay "tay ba" đến các hộ chăn nuôi.
Theo đó, các nông hộ đến ngân hàng làm thủ tục vay rồi chuyển thẳng tiền cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc, sau đó phía nhà máy chuyển thẳng cám cho các nông hộ. Các hộ nông dân đã giảm chi phí 8 – 12% vì không phải thông qua trung gian là các đại lý mà mua cám trực tiếp với nhà máy; còn nhà máy bán thức ăn gia súc sẽ thu được tiền nhanh hơn, không phải mua bán chịu với các đại lý.
Nếu không có cách thức như vậy, những nông hộ chăn nuôi vốn đa phần là đi mua chịu cám của đại lý, mà một khi mua chịu thì đại lý phải tính đến rủi ro nên thông thường lãi suất của họ sẽ cao hơn lãi suất của ngân hàng.
Điều đó cho thấy nếu dòng vốn vay được tính toán đúng thì chi phí sản xuất cho chuỗi giá trị sản xuất nông sản sẽ được giảm. Mặt khác, lãi suất tiền vay ngân hàng sẽ thấp hơn là lãi suất của chuyện mua chịu các đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp.
Tựu trung, trong câu chuyện lo vốn cho chuỗi giá trị nông sản, các nông hộ cần thấy nếu "mua chung, bán chung", vốn vay được rót đúng chỗ cần, chi phí logistics sẽ giảm xuống rất mạnh và rất thuận tiện cho các DN liên kết cũng như nông hộ.
Thanh Loan