Sau khi trở thành đầu tàu dẫn dắt nền công nghiệp ô tô Việt, với việc đầu tư sâu vào ngành nông nghiệp như hiện nay, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đang được kỳ vọng sẽ là nhân tố quan trọng để dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản Việt.
Mới đây, doanh nghiệp (DN) này đã thành lập công ty con là CTCP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi tại khu công nghiệp Nông – Lâm nghiệp ở Chu Lai (khởi công hôm 24/3) và triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 6/2020 với công suất 200.000 tấn/năm.
Hình mẫu lớn
Công ty Thadi cũng là đối tác chiến lược của công ty Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai (HNG, Thaco sở hữu 35% cổ phần của HNG) về phân phối trái cây xuất khẩu (XK) cho thị trường cao cấp, bao tiêu trái cây để chế biến, cung cấp dịch vụ kho lạnh, dịch vụ vận chuyển cảng và xuất nhập khẩu cho HNG.
Cần nhắc lại, trong hơn 7 tháng qua, Thaco đã ứng vốn trên 10.500 tỷ đồng để giúp HNG tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ.
Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch XK các sản phẩm chế biến từ trái cây, phía Thadi đã hợp tác với Tập đoàn công nghiệp và năng lượng quốc tế Sinopec – vốn đang mở rộng dịch vụ cửa hàng tiện lợi bằng việc nhập khẩu và kinh doanh các loại sản phẩm nông sản, trái cây sau chế biến qua hệ thống hơn 305 ngàn trạm xăng, dầu và 26 ngàn cửa hàng tiện lợi, cung cấp cho khoảng 20 triệu lượt khách hàng mỗi ngày.
Ngoài ra, với kế hoạch XK hơn 300 ngàn tấn trái cây năm 2019 và mục tiêu XK 1 triệu tấn trái cây đến năm 2021, HNG và Thadi cũng đã lựa chọn hợp tác với các đối tác chiến lược là những DN ở Trung Quốc có hệ thống cửa hàng/siêu thị và các kênh phân phối trái cây lớn nhất Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Đại Liên, Thanh Đảo. Trong đó, Thadi sẽ chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển, cung cấp kho lạnh bảo quản, dịch vụ cảng và xuất nhập khẩu cho HNG.
Mặt khác, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam còn khởi công dự án mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn tại Chu Lai để phục vụ cho việc XK nông sản. Theo chia sẻ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco: "Chúng tôi phát triển logistics trên toàn chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh nông – lâm nghiệp".
Trước mắt là logistics chuyên dụng cho trái cây gồm: Vận chuyển đường bộ trái cây và nông sản chuyên dụng từ Lào, Campuchia và Tây Nguyên về cảng Chu Lai; hệ thống kho lạnh bảo quản và bãi container lạnh phục vụ XK, vận chuyển vật tư nông nghiệp cung cấp cho vùng trồng.
Xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên từ cảng Chu Lai |
Động lực mới
Có thể thấy đây là một hình mẫu lớn về chuỗi giá trị nông sản, bao gồm tất cả các khâu khép kín từ trồng trọt, sản xuất cho tới hạ tầng logistics phục vụ cho XK. Điều này nhằm đảm bảo cho một loại nông sản đó có thị trường ổn định, có khả năng phát triển bền vững và có giá trị gia tăng cao, mang lại lợi nhuận tối đa cho tất cả mọi khâu, cho mọi thành viên tham gia trong chuỗi giá trị của nông sản.
Giới chuyên gia nhận định trong sản xuất nông nghiệp hiện đại ở Việt Nam, việc liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất là xu thế phát triển tất yếu. Các hình thức liên kết, các mô hình sản xuất mới ra đời đã, đang và sẽ mở ra hướng đi, tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là rất cần những DN "sếu đầu đàn" với nguồn lực mạnh để dẫn dắt toàn chuỗi.
Cần nhắc lại một hình mẫu khác của chuỗi giá trị nông sản là nhà máy chế biến nông sản có công suất 60.000 tấn mỗi năm thuộc CTCP Lavifood (một DN nội địa) khánh thành hồi đầu năm nay ở huyện Gò Dầu (Tây Ninh) với vốn đầu tư hơn 1.780 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Lavifood, cho biết nhà máy không chỉ góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, mà còn giúp nâng cao giá trị nông sản Việt và cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân tại địa phương từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.
Trước đây, nông dân chỉ bán được cho các thương lái 50% sản lượng sau thu hoạch, nhưng hiện nay, bằng quy trình phân loại và sản xuất mỗi loại phù hợp với từng dây chuyền khác nhau, nông dân đã bán nông sản được nhiều hơn, lên đến 80%.
"Khi vận hành trong chuỗi giá trị nông nghiệp, với vị trí là trung tâm của chuỗi giá trị, nhà máy xác định vai trò của mình trong việc xây dựng thị trường với chuỗi khách hàng trên toàn thế giới, liên kết, hướng dẫn nông dân xây dựng vùng trồng các loại trái cây, rau củ, phối hợp với các "nhà" có liên quan trong chuỗi giá trị để tất cả không ai bị bỏ lại phía sau, tất cả cùng phát triển đúng với chức năng, nhiệm vụ của từng "nhà" trong chuỗi giá trị", ông Thắng chia sẻ.
Rõ ràng, để khai thác tốt nhất và nâng tầm chuỗi giá trị nông sản Việt không thể thiếu vai trò "đầu tàu" của những DN lớn ở trong nước. Chính những "sếu đầu đàn" này mới có thể đủ sức mạnh đầu tư các nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại, quy mô công suất lớn, cũng như đủ tầm kết nối với các đối tác thu mua lớn trên thế giới.
Thế Vinh