Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài; 37 tỉnh/ thành phố đã có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
70 – 80% nông sản chưa có thương hiệu
Trong số các chỉ dẫn địa lý này, 47% sản phẩm là trái cây, 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% sản phẩm là thủy sản, 8% sản phẩm là gạo…
Các loại sản phẩm được xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất đa dạng, bao gồm các sản phẩm dạng thô hoặc sơ chế như trái cây, thủy sản, rau…; sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như nón lá Huế, cói Nga Sơn…
Theo đánh giá chung, chỉ dẫn địa lý đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có xu hướng tăng: cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75 – 80%, nước mắm Phú Quốc tăng 30 – 50%, chuối ngự Đại Hoàng tăng 130 – 150%, bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần, cam Vinh tăng hơn 50% sau khi chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý…
"Xây dựng thương hiệu cho nông sản là hướng đi cần thiết và phù hợp cho phát triển ngành nông nghiệp và các mặt hàng nông sản trong thời gian tới", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá.
Tuy vậy, PGs.Ts. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), cho rằng hiện nay vẫn còn khoảng 70 – 80% nông sản xuất khẩu (XK) không được mang thương hiệu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam (sản xuất chế biến hoặc XK).
Nguyên nhân là do tỷ lệ nông sản Việt Nam vẫn XK dạng thô hoặc sơ chế chiếm chủ yếu, DN chưa tiếp cận được hệ thống phân phối tại nước ngoài, DN chưa quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa tập trung phát triển thương hiệu tập thể.
Đại diện công ty Vinacafe Biên Hòa cho biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về XK cà phê, tuy nhiên đa phần mới chỉ XK hạt cà phê thô chưa qua chế biến nên giá trị không cao. Tính trung bình 1kg cà phê thô XK có giá chưa tới 2 USD, trong khi cà phê đã qua chế biến có thương hiệu bán tại các cửa hàng ở nước ngoài có giá trung bình khoảng 20 USD, còn nếu được chế biến thành thức uống bán trong các quán cà phê hay các lon, chai cà phê pha sẵn có nhãn hiệu có thể có giá gấp 100 lần. Trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, phần đóng góp của cà phê thô Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 1 – 10%.
Chưa kể, ông Thịnh cho rằng do tỷ lệ nông sản chủ yếu XK thô lớn nên vị thế của DN Việt Nam trên thị trường chưa thực sự cao, mức độ rủi ro cao. Chẳng hạn, 100 DN XK nhưng chỉ một lô hàng có vấn đề chắc chắn sẽ mang tiếng cho cả ngành hàng. Vì vậy, đã đến lúc cần nhìn nhận quyết liệt vấn đề thương hiệu.
Việt Nam bán 1kg cà phê thô được 2 USD, khách hàng đem về chế biến, xây dựng thương hiệu giá lên 20 USD |
Đồng hành cùng doanh nghiệp
"Xây dựng thương hiệu không phải vẽ logo kèm câu khẩu hiệu. Thương hiệu là tạo lòng tin, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có giá bán chưa cao, chưa bán được nhiều vì lòng tin chưa có. Ra ngoài chợ bán một mớ rau, người bán cứ nói sạch nhưng người tiêu dùng đâu có dễ tin", ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh cũng cho biết cách đây hơn 10 năm, Việt Nam đã tiến hành xây dựng thương hiệu cho cá tra nhưng rồi chưa làm được nhiều. Hay việc xây dựng thương hiệu gạo mới chỉ là bước đầu, còn nhiều vấn đề phải làm.
Theo ông Thịnh, xây dựng thương hiệu cho nông sản XK cần phải xác định chủ thể xây dựng nông sản ở đây là ai. Ở Việt Nam đang quan niệm có ba dạng: DN trực tiếp chế biến và cung ứng XK; các tổ chức tập thể, ngành hàng (hiệp hội, HTX); cuối cùng là chủ sở hữu của nhãn hiệu chứng nhận, ví dụ như gạo Việt Nam – chủ sở hữu là Bộ NN&PTNT trao quyền cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng nếu chỉ dừng trực tiếp ở chủ thể này để phát triển thương hiệu sẽ rất hạn chế, cần tham gia của các chủ thể khác như hộ sản xuất, chính quyền địa phương, các cơ quan chứng thực, giám sát…
Thực tế, nhiều hiệp hội đang tiến hành xây dựng thương hiệu trong ngành hàng, trong hiệp hội, trong nhóm DN của mình nhưng kết quả chưa đạt được mức độ mong muốn tối thiểu – là một trong những vướng mắc của bất cập trên.
Theo đại diện công ty Vinacafe Biên Hòa, để có thể nâng cao được giá trị cho cà phê Việt Nam nói riêng cũng như ngành nông sản nói chung cần tạo được chuỗi giá trị liên kết bắt đầu từ nguyên vật liệu đầu vào, sản xuất, chế biến; xây dựng, quảng bá thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm, trong đó cần nhấn mạnh tới vấn đề xây dựng thương hiệu.
Việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam và cho từng thương hiệu cụ thể phải là việc làm đồng bộ không chỉ của DN mà còn của quốc gia, của Chính phủ.
Do vậy, DN cho rằng cần xây dựng một chương trình mang tính quốc gia cho thương hiệu cà phê Việt Nam nói riêng và các sản phẩm nông sản khác mà chúng ta có thế mạnh như gạo, cà phê, chè…
Các cơ quan của Chính phủ luôn quảng bá, tôn vinh các thương hiệu nông sản Việt trước bạn bè quốc tế. Chỉ khi sản phẩm nông sản của Việt Nam chứa đựng hàm lượng công nghệ cao và có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc gia đủ sức vươn ra thế giới mới thực sự mang lại giá trị cho ngành nông sản và cuộc sống tốt hơn cho người nông dân.
Trước những yếu kém trong xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng chuyện này không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng vậy, muốn xây dựng thương hiệu thì đòi hỏi quá trình.
"Hiện nay, cả Chính phủ, các địa phương, hiệp hội, người nông dân đều quyết tâm xây dựng thương hiệu. Tiến từng bước một, chúng ta sẽ có những nông sản đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là công việc cần sự đồng bộ và rất gian khổ, nhất là khi nền nông nghiệp của Việt Nam lại dựa vào các hộ nhỏ lẻ như hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Lê Thúy
Bà Bùi Thị Quy - Chủ tịch HĐQT công ty Thương mại và chế biến nông lâm sản Đường Vạn Phát Rất nhiều nông sản Việt Nam khi XK ra nước ngoài đã được chuyển thành thương hiệu của nước khác. Người sản xuất của Việt Nam nhưng sản phẩm lấy tên nước ngoài chính là "mất gốc", hay nói cách khác mình chỉ là công cụ sản xuất, còn lợi ích thì nước ngoài hưởng. Mấu chốt của xây dựng thương hiệu là chất lượng, xây dựng quy cách cho sản phẩm đáp ứng yêu cầu mà phía đối tác đưa ra, khách hàng mong muốn. Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiến tới hài hòa hóa với các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và thế giới; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đồng thời phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Thương hiệu được xây dựng bắt đầu từ những chuyện tưởng chừng không liên quan như cách bao gói lượng to hay nhỏ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chẳng hạn với gạo, có thể đóng gói với khối lượng 2 lạng, 5 lạng, 1kg, 5kg hay 10kg, đi kèm với đó là mẫu mã bắt mắt, giá cả cạnh tranh. Mở cửa thị trường, Việt Nam có cơ hội XK nhưng ngược lại cũng phải mở thị trường cho hàng ngoại. Vì vậy, thương hiệu được định vị tốt sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt. |