Chuyên gia Nguyễn Thị Phương Nga, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết vấn đề hiện nay mà các doanh nghiệp (DN) Việt thường gặp phải khi xuất khẩu (XK) đến bất kỳ thị trường nước ngoài nào chính là hệ thống kênh phân phối, nhất là ở những thị trường lớn.
Vẫn khó tiếp cận
Theo bà Nga, rất khó khăn cho các DN Việt khi tiếp cận kênh phân phối, đơn cử ở các thị trường như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điển hình ở Australia có hệ thống bán lẻ, siêu thị lớn chiếm hơn 80% thị phần ở kênh phân phối hàng tiêu dùng như West Farmer và Woolworths…
"Các nhà nhập khẩu (NK) ở Australia rất chuyên môn hóa, nghĩa là hiếm khi có một DN nào của họ NK hàng trăm mặt hàng, mà thông thường là mỗi nhà NK tập trung cho từng lĩnh vực. Chẳng hạn với rau quả thì có DN chuyên nhập thanh long, xoài, vải… Cho nên các DN Việt khi xác định XK vào thị trường này cần tìm đúng đối tác để đưa sản phẩm của mình vào", bà Nga lưu ý.
Ngoài ra, ở Australia còn NK qua các kênh nhỏ lẻ. Đơn cử một số DN của người Việt với phân khúc khách hàng nhỏ về Việt Nam để nhập hàng với số lượng không nhiều. Hoặc những DN chuyên làm trung gian qua Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, rồi đưa hàng sang, giới thiệu cho hệ thống siêu thị tại Australia.
Vấn đề của nông sản Việt ở thị trường Australia, như băn khoăn của bà Nga, là do đây là thị trường lớn đồng thời cũng là một cường quốc về sản xuất rau củ quả. Vì vậy, việc đưa được rau quả Việt vào kênh phân phối ở nước này là điều hết sức khó khăn. Chưa kể, tuy có những loại hoa quả mà nước này có nhu cầu nhưng Việt Nam cũng chưa chắc được phép XK cho dù các cơ quan chức năng cố gắng tháo gỡ.
Chia sẻ thêm về rào cản của hàng Việt khi muốn tiếp cận kênh phân phối ở nước ngoài, giới chuyên gia cho biết, những nhà bán lẻ lớn ở một số quốc gia thường có chính sách đã được thiết lập từ lâu là sẽ không NK trừ khi tất cả mọi việc đã được thu xếp qua một đại lý nước ngoài được chỉ định của họ.
Đa phần những nhà bán lẻ toàn cầu có đại lý mua hàng ở tất cả các nước cung cấp chính và ở một số nước họ có nhiều hơn một đại lý. Như ở Australia, hầu hết các đại lý mua hàng ở nước ngoài của nhà NK và nhà bán lẻ hoạt động theo hình thức hưởng hoa hồng khoảng 3 – 5% giá trị FOB của đơn hàng.
Một yếu tố nữa khiến hàng Việt Nam khó thâm nhập hệ thống phân phối bán lẻ lớn ở nước ngoài là tiêu chuẩn mua hàng của các nhà bán lẻ khá cao nên nhiều DN Việt không mặn mà hoặc không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ.
Những trở ngại này khiến hàng Việt khó được trực tiếp đi vào hệ thống phân phối ngoại, nhất là khi hàng Việt NK để phân phối cho các hệ thống bán buôn, bán lẻ tại Australia thường thông qua các kênh NK. Thông thường, các nhà NK sẽ nhập nhiều mặt hàng thô từ Việt Nam rồi gia công, chế biến lại, gắn thương hiệu của họ.
Các nhà nhập khẩu ngoại quan tâm đến nông sản Việt |
Không thể lơ là
Chưa kể, chẳng hạn hệ thống thu mua của nhà bán lẻ Woolworths thường đặt ra các yêu cầu khắt khe về thủ tục, tiêu chuẩn và thanh toán, nên các DN Việt cũng ngần ngại và thường chọn cung cấp hàng qua trung gian. Điều đó càng khiến cho hàng Việt khó thâm nhập các kênh bán lẻ lớn.
Mặt khác, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên toàn cầu thường đặt đại lý mua hàng theo khu vực (như ở Đông Nam Á đặt ở Singapore, Thái Lan, Malaysia) và chưa có đại lý thu mua hàng trực tiếp tại Việt Nam.
Các đại lý này lại ưu tiên mua hàng tại các nước họ đặt trụ sở khiến cho hàng Việt khó thâm nhập được các kênh phân phối lớn.
Hay như việc tiếp cận của nông sản Việt với kênh phân phối tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, cho rằng nhiều DN Việt vẫn còn chưa quan tâm đến việc XK trực tiếp vào các kênh phân phối ở hai thị trường quan trọng này. Đặc biệt, DN Việt chưa tiếp cận được kênh phân phối trực tiếp thông qua hệ thống siêu thị, đại siêu thị và các hệ thống chiếm thị phần lớn trong kênh bán lẻ nông sản, rau quả.
"Chúng ta vẫn thường XK qua kênh trung gian mà lơ là kênh phân phối trực tiếp. Đây là vấn đề khó khăn đòi hỏi các DN trong thời gian tới cần phải quan tâm nhiều để khai thác tốt hơn", ông Hưng nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, hệ thống phân phối của Nhật Bản khác xa so với hệ thống phân phối của Mỹ và EU, nếu DN Việt có ý định xâm nhập thị trường này cần tìm hiểu kỹ hơn.
Các DN Việt cần biết thêm rằng hoạt động phân phối ở Nhật Bản từ lâu được xem là một hàng rào phi thuế quan hiệu quả nhất với hệ thống phân phối nhiều cấp cùng với sự tham gia của các trung gian phân phối chuyên nghiệp.
Việc đưa được hàng Việt vào hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ lớn cũng chính là một cách để phát triển thị phần, quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, trước nhiều thách thức lớn từ các kênh phân phối ở nước ngoài, DN không thể lơ là bỏ qua hoặc "tự bơi", mà cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía cơ quan xúc tiến thương mại.
Thế Vinh