Trên một số diễn đàn buôn bán thực phẩm, nông sản online, không khó để nhìn thấy những cụm từ "giải cứu" mặt hàng này hay loại nông sản khác, tất nhiên giá bán rất rẻ, có loại trái cây chỉ vài nghìn đồng/kg.
Mỗi lần cần cứu là mất giá
Dù đang ở tình cảnh gặp khó khăn về đầu ra, song cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Bộ TT&TT cho biết rất cần được tuyên truyền về chất lượng vải thiều, về việc vải thiều Bắc Giang hiện đang được xuất khẩu (XK) đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Bắc Giang được XK và tiêu thụ nội địa... Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang không muốn dùng từ "giải cứu" khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng. Vì trên thực tế, sau khi có các tin, bài có từ "giải cứu", giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân.
Cần những sáng kiến, hành động cụ thể về tiêu thụ nông sản. |
Trong khi đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp - Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cũng bày tỏ quan điểm: "Lâu nay, đâu đó nông sản Việt Nam vẫn phải "giải cứu". Song, có lẽ chúng ta cần bỏ từ giải cứu vì nó giống với sự thương cảm, thương xót. Trong khi đó, chúng ta cần hành động cụ thể hơn. Mọi sản phẩm nông nghiệp cần được nâng niu hơn, tạo ra giá trị nhiều hơn, bởi đó là công sức của bà con nông dân".
Được biết, nhằm nói không với ép giá, lùi cân và gian lận thương mại trong tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn - "thủ phủ vải thiều" của Bắc Giang, đã công bố danh sách đường dây nóng của 29 xã, thị trấn. Đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận, kiểm tra và xử lý các vụ việc liên quan tới hoạt động tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện. Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bởi nhiều khi tin đồn giả làm hại nông sản thật.
Hay vùng ớt Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) được quy hoạch có diện tích trồng hơn 1,3ha theo tiêu chuẩn vùng canh tác an toàn. Năm nay, các hộ trồng ớt được mùa, nhưng dịch COVID-19 tái bùng phát, thương lái không thu mua khiến ớt bị tắc đầu ra. Ngay sau đó, tại TP. Đà Nẵng liên tục có những hình ảnh đẹp về hỗ trợ nông sản chậm tiêu thụ vì dịch.
Tuy khẳng định sản lượng ớt hiện tại không còn ùn ứ nhiều, nhưng ông Bùi Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan cũng chia sẻ, nếu cứ mỗi ngày thu hoạch trung bình 300kg, thì kêu gọi mua hỗ trợ không phải là lời giải cho lâu dài.
Thực tế thời gian qua, một số trường hợp tung tin thất thiệt giải cứu đã khiến một số mặt hàng nông sản bị xuống giá. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTT) cho rằng, cần cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, lấy hiện tượng nhỏ để quy thành nông sản rớt giá. Điều này vô hình trung tiếp tay cho một số thông tin thất thiệt, dìm giá nông sản, làm khổ bà con nông dân.
Để không còn cảnh "được mùa mất giá"
Nông sản không cần "giải cứu", nhưng để không xảy ra tình trạng mất giá thì phải làm gì? Chia sẻ với VnBusiness, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận: "Nông sản Việt Nam không thể gắn với giải cứu nữa, cũng không thể sống dựa bằng tình thương, vì điều này sẽ làm ngành nông nghiệp ngày càng trì trệ, không thể phát triển".
Song, để không còn ai nhắc đến từ "giải cứu" thì ông Thủy cho rằng, các Bộ ngành, địa phương cần phải hành động nhanh hơn. Như câu chuyện ở tâm dịch Bắc Giang - không chỉ có vải thiều mà còn rất nhiều mặt hàng nông sản khác, nếu không có giải pháp, sự phối hợp đồng bộ thì mọi công sức của nông dân sẽ đổ sông đổ bể.
Trách nhiệm tìm thị trường tiêu thụ cho nông sản không chỉ là của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT mà Bộ GTVT cũng cần phải vào cuộc. "Bộ GTVT đã có giải pháp hỗ trợ vận chuyển nông sản nhanh hơn, làm sao để hạ giá logistics?... Nếu chưa có sự tham gia, phối hợp thì chuyện nông sản vẫn ách tắc ở khâu tiêu thụ là điều khó tránh khỏi", ông Thủy nói. Đồng thời nhấn mạnh không được có tư duy ngăn sông cấm chợ đối với nông sản từ vùng dịch. Trái vải thiều của Việt Nam là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, được thị trường quốc tế đón nhận. Nếu bị chậm đơn hàng, chúng ta sẽ mất bạn hàng, mất uy tín với khách hàng quốc tế.
Về lâu dài, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy lưu ý, để có thị trường đầu ra bền vững, người nông Việt Nam cần bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng, theo đám đông; DN thì cần bỏ tư duy thương vụ. Nông dân, HTX và DN cần phải có sự liên kết với nhau tạo thành chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần phải đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản. Đây là con đường dài hơi để nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.
Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều cách làm, mô hình hay về tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được triển khai, như dự án bán vải online hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều trong tháng 6 do nền tảng Cuccu phối hợp với Trung ương Đoàn và VietnamPost triển khai. Khách hàng đặt đơn trong link của shop - bill tự động chuyển qua app tới HTX Xuân Hồng để đóng gói - vận chuyển bằng máy bay vào Sài Gòn - VietnamPost ship hàng và thu tiền. Đồng thời, việc đẩy mạnh bán vải thiều trên nhiều sàn thương mại điện tử cũng có được sự đón nhận tích cực từ phía người dùng.
Với HTX, ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX rau an toàn Túy Loan chia sẻ: “Vừa qua, chúng tôi cũng tận dụng triệt để các mạng xã hội như Facebook, Zalo để làm nơi giao dịch, tiếp nhận các đơn hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyên nghiệp hơn việc bán hàng qua các kênh này để khai thác hiệu quả thương mại điện tử cho nông sản địa phương”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với bưu điện, Grab để kết nối đưa vải thiều đến tận tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân, HTX bán hàng online như hỗ trợ nông dân livestream bán hàng. Nếu những giải pháp này được làm căn cơ thì chắc chắn cụm từ "giải cứu" sẽ không còn xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Thịnh Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Hiện, toàn hệ thống Liên minh HTX đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản như tăng cường hỗ trợ kết nối thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, phát huy vai trò của các HTX thương mại... Việc tìm lời giải “bài toán” thị trường cho HTX trong thời kỳ dịch bệnh sẽ đối diện với những thách thức lớn, tuy nhiên cần phải lấy thực tiễn làm thước đo cho hành động, đưa ra những giải pháp thiết thực, tránh đổ vỡ. Khó khăn, nhưng nếu có sự chung tay của cả hệ thống, các HTX, đồng thời có sự đồng hành của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, và đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân cả nước, thành công sẽ đến. PGS.TS. Đào Thế Anh Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Kinh nghiệm ở nhiều HTX của Nhật Bản cho thấy họ không bao giờ bán cho một mối khách hàng, mà bán cho siêu thị, bán tại chỗ, bán cho quán ăn, nhà hàng để đảm bảo tiêu thụ nông sản. Vì vậy, các HTX nông nghiệp Việt Nam cũng cần đa dạng hóa kênh tiêu thụ, không bao giờ phụ thuộc vào một kênh để tránh bị ngắt quãng. Đa dạng thị trường, trồng nông sản theo tiêu chuẩn và sử dụng công nghệ thông tin để bán nông sản trực tuyến sẽ là lối ra cho nông sản trong tương lai. Ông Lê Ánh Dương Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Có những thông tin trên mạng xã hội là phải giải cứu nông sản đã gây tâm lý chung đã là hàng giải cứu thì giá xuống rất thấp. Tâm lý cho rằng hàng đang ế, đang không bán được thì giá sẽ thấp, yếu tố này cũng tác động đến giá cả. Trong khi thực tế, vải đang đầu vụ thu hoạch, tạm thời thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đấy, giá bán tương đương mọi năm, Vì vậy, nếu chúng ta đưa nhiều thông tin phải giải cứu thì giá sẽ xuống. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Lê Thúy