Từ nay đến cuối tháng 8/2021 sẽ là thời gian cao điểm tiêu thụ nông sản tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, với hàng trăm nghìn tấn sản phẩm các loại. Các mặt hàng nông sản như vải thiều, dưa hấu, dưa lê, na, hay gia súc, gia cầm… mang tính thời vụ, nếu không được hỗ trợ đầu ra kịp thời sẽ khiến công sức của người nông dân “đổ sông, đổ biển”.
Thần tốc theo phương châm "4 nhất"
Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản cho HTX trong vùng dịch tổ chức ngày 1/6, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đang tăng cường phối hợp để đưa ra các giải pháp mở cửa thị trường, đảm bảo giá bán nông sản cho các HTX, tổ hợp tác.
Liên minh HTX Việt Nam đang đưa ra các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ tiêu thụ cho các HTX chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Ngay từ những ngày đầu tháng 5, hàng loạt các giải pháp căn cơ, trực diện đã được Liên minh HTX Việt Nam đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên cả nước.
Đặc biệt, ở hai "điểm nóng" Bắc Giang và Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh khẳng định, Liên minh HTX Việt Nam sẽ vào cuộc dựa trên tinh thần "chống dịch như chống giặc" của Chính Phủ, với các giải pháp mang tính thần tốc, chủ động, quyết liệt, kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho người dân.
"Các chương trình hỗ trợ sẽ không vì mục đích lợi nhuận, mà tập trung mọi nguồn lực vào việc tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thành viên, nông dân trên địa bàn các tỉnh có dịch, đặc biệt là Bắc Giang. Việc tiêu thụ sẽ dựa theo phương châm "4 nhất", gồm tiêu thụ nhanh nhất, sản lượng lớn nhất, chất lượng tốt nhất và hiệu quả thiết thực nhất", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cũng cho biết, Liên minh HTX Việt Nam cam kết đồng hành và phối hợp với các đơn vị liên quan trong hệ thống nhằm giải quyết các thủ tục, vướng mắc với các tỉnh, thành phố, nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.
Trước đó, Liên minh HTX Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, đặc biệt là thành viên HTX trên địa bàn.
Trong quá trình làm việc, UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, cam kết sẽ cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ của Liên minh HTX Việt Nam những mặt hàng nông sản chất lượng cao, 100% đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh,...
Đơn cử, với vấn đề an toàn dịch bệnh, các sản phẩm xuất phát từ vùng dịch sẽ có giấy chứng nhận an toàn, hệ thống xe, phương tiện vận chuyển được phun khử khuẩn, lái xe được xét nghiệm, tiêm vắc xin. Việc di chuyển cũng sẽ được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Theo khảo sát, có 3 nhóm hàng nông sản “nóng” nhất trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hiện tại. Thứ nhất là mặt hàng trồng trọt với trên 1.100 ha rau màu, 600 ha dưa hấu, hàng trăm ha nhãn, na, dứa, đặc biệt là hơn 180.000 tấn vải thiều, trong đó khoảng hơn 130.000 tấn chính vụ vào trung tuần tháng 6. Thứ hai là nhóm hàng thủy sản, với trên 2.000 ha nuôi trồng, sản lượng ước tính trên 17.000 tấn. Thứ ba là nhóm hàng gia súc, gia cầm với tổng đàn hàng triệu con, trong đó áp lực lớn nhất đến từ gần 1 triệu con lợn và hơn 2,2 triệu con gia cầm, chủ yếu là gà, vịt thương phẩm.
Để giảm áp lực, hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Liên minh HTX Việt Nam đã thành lập Quỹ hỗ trợ HTX phòng chống Covid-19 trên toàn quốc, huy động nguồn lực từ các HTX, doanh nghiệp, tổ chức… nhằm hỗ trợ những đơn vị khó khăn, với phương châm “đi đường dài”, bởi dịch bệnh xác định sẽ khó chấm dứt trong một sớm, một chiều.
Liên minh HTX Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhằm giãn nợ, giảm lãi suất, tiếp tục cho vay ưu đãi, giúp các HTX ổn định hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho thành viên, người lao động. Công tác kết nối với hệ thống siêu thị để tạo thêm đầu ra cho nông sản HTX cũng được xúc tiến.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh (áo trắng đứng giữa) trao số tiền Liên minh HTX Việt Nam ủng hộ tỉnh Bắc Giang. |
Ở góc nhìn của một đơn vị “tiền tuyến” trực tiếp thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ, ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Việt Nam cho biết, việc bao tiêu sản phẩm cho các HTX tại các vùng có dịch đang được thực hiện với 2 hình thức là trực tiếp và online (bán hàng trực tuyến).
Dù được địa phương tạo nhiều điều kiện về pháp lý, các HTX chủ động cung ứng nguồn hàng chất lượng cao, song các đơn vị hỗ trợ tiêu thụ nông sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đơn cử, trong việc mở các điểm bán hàng hỗ trợ, công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn theo nguyên tắc 5K, là một thách thức không nhỏ. Việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện tại cũng không phải là việc đơn giản, đòi hỏi các loại máy móc hiện đại, phát sinh nhiều chi phí…
“Câu hỏi đặt ra là làm sao mở rộng quy mô, tiêu thụ được nhiều nông sản nhất cho HTX, người nông dân trong vùng dịch, bởi hiện tại số lượng được hỗ trợ vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Đây là vấn đề cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng, các cơ quan chức năng”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Thần tốc với 7 giải pháp
Trong hàng loạt thách thức đặt ra, để giải “bài toán” tiêu thụ nông sản trong thời kỳ dịch bệnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần thực hiện đồng thời 7 giải pháp mang tính thần tốc, gồm mở điểm bán hàng trực tuyến tại các thành phố lớn, kết nối tiêu thụ qua các siêu thị, tiêu thụ qua các chợ đầu mối, thông qua hệ thống Liên minh HTX các tỉnh, huy động sự ủng hộ của các HTX thành viên, thúc đẩy thương mại điện tử và xúc tiến xuất khẩu.
Trong đó, có 4 giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, giúp các HTX phát triển bền vững là đưa hàng vào siêu thị để nâng cao giá trị hàng hoá, kết nối các chợ đầu mối để mở rộng khách hàng, thúc đẩy bán hàng qua thương mại điện tử và hướng mạnh tới xuất khẩu hàng hóa.
Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam khẳng định, cần đa dạng các giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, và đặc biệt là ổn định giá bán cho nông sản vùng dịch.
Ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, với nhiều điểm bán hàng trực tiếp, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, qua đó tiêu thụ thành công hàng trăm tấn nông sản.
Kể từ nay đến cuối tháng 8, khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực ở 2 “điểm nóng” Bắc Giang và Bắc Ninh vào mùa, đặc biệt là hơn 130.000 tấn vải chính vụ sẽ bắt đầu “bung hàng” từ ngày 10/6 tới, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam sẽ tiếp tục mở các gian hàng để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
“Tuy nhiên, khác biệt trong lần này là tình hình dịch bệnh lan rộng, đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải chặt chẽ hơn. Công tác bán hàng trực tuyến sẽ được ưu tiên để vừa đảm bảo an toàn, vừa nâng cao sản lượng tiêu thụ”, ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin.
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác cho rằng, trong thời kỳ dịch bệnh, việc mở các quầy hàng bán cho khách qua đường tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy cần tập trung vào bán hàng trực tuyến với sự tham gia của các đơn vị cụ thể như chung cư, doanh nghiệp, trường học…
Đặc biệt, cần vận động các HTX ở các địa phương khác trợ lực tiêu thụ cho các HTX trong vùng dịch. Với hàng trăm nghìn HTX và tổ hợp tác trên cả nước, nếu đoàn kết hỗ trợ nhau, đây sẽ là thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng.
Trong trường hợp mở các điểm tiêu thụ trực tiếp, bên cạnh các giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, các gian hàng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm cao, chất lượng phục vụ tốt, có niêm yết giá rõ ràng, chuyên nghiệp như ở các siêu thị để “ghi điểm” với người tiêu dùng.
Hàng loạt các giải pháp được đưa ra, tuy nhiên, để các HTX đi đường dài, khẳng định vị thế trên thị trường, cần phải có những giải pháp mang tính bền vững, tránh tình trạng đầu năm hỗ trợ ở Hải Dương, cuối năm hỗ trợ ở Bắc Giang, như một vòng luẩn quẩn không có lối ra.
Để đạt được mục tiêu trên, trong những năm qua, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, toàn hệ thống Liên minh HTX cũng đang đẩy mạnh các giải pháp dài hạn như tăng cường hỗ trợ các đơn vị nâng cao năng lực sản xuất, khả năng kết nối thị trường, phát huy hiệu quả của các HTX thương mại…
Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông nhằm tạo hiệu ứng, sức lan tỏa trong xã hội, qua đó gây dựng niềm tin, thu hút sự chung tay của cả cộng đồng, các doanh nghiệp, HTX.
Sau mỗi "chiến dịch" hỗ trợ tiêu thụ, Liên minh HTX Việt Nam sẽ có sơ kết, tổng hợp để đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về các giải pháp căn cơ, lâu dài cho sự phát triển bền vững của HTX, ngay cả sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Bên cạnh đưa ra các giải pháp để kết nối thị trường, giải "bải toán" đầu ra sản phẩm cho HTX, người nông dân, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh và đại diện các đơn vị "tuyến đầu" trực tiếp tiêu thụ là Liên hiệp HTX Việt Nam, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam... cũng thống nhất không dùng từ "giải cứu" trong chiến dịch lần này.
Bởi, khi dùng từ "giải cứu" sẽ dễ khiến người sản xuất cảm thấy bi quan, còn với người tiêu dùng thì sẽ gây ra sự băn khoăn về mặt chất lượng, "lý lịch" sản phẩm, dẫn tới việc tốc độ tiêu thụ bị ảnh hưởng.
“Việc tìm lời giải “bài toán” thị trường cho HTX trong thời kỳ dịch bệnh sẽ đối diện với những thách thức lớn, tuy nhiên cần phải lấy thực tiễn làm thước đo cho hành động, đưa ra những giải pháp thiết thực, tránh đổ vỡ. Khó khăn, nhưng nếu có sự chung tay của cả hệ thống, các HTX, đồng thời có sự đồng hành của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, và đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân cả nước, thành công sẽ đến”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Hưng Nguyên