Nếu quả vải thiều Bắc Giang những ngày gần đây đang đón nhận nhiều tin vui ở thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng trong nước, thì những mặt hàng nông sản như dứa, dưa hấu vẫn đang vật lộn với "bài toán" tìm thị trường.
Giá thấp vẫn khó bán
Chia sẻ với VnBusiness, ông Vi Anh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dứa Lục Nam (Bắc Giang) cho biết: "Mấy hôm trước kêu gọi, tìm đủ mọi phương án thì dứa còn bán được chút, chứ hai hôm nay tiêu thụ rất chậm. Hiện, HTX còn khoảng 1.000 tấn dứa với thời gian thu hoạch kéo dài trong 20 ngày tới".
Dứa Lục Nam (Bắc Giang) vẫn đang tiêu thụ chậm, giá trung bình 6.500 đồng/kg. |
Với tình hình này, nếu không đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ thì dứa sẽ xuống nước, hư hỏng. "Năm ngoái, chúng tôi bán dứa tại ruộng được bình quân 7.500 đồng/kg, giờ giá giảm xuống 6.500 đồng/kg mà rất ít người mua", ông Tuấn cho biết.
Khi đề cập tới việc có thể tìm cách để tiêu thụ ở kênh phân phối hiện đại, ông Tuấn cho biết rất tiếc là đến giờ HTX vẫn chưa thể đưa được dứa vào siêu thị, dù HTX có diện tích trồng dứa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX cũng muốn đưa hàng về tiêu thụ ở Hà Nội nhưng như thế thì cũng cần địa điểm bán, người chịu trách nhiệm thu mua.
Giám đốc HTX dứa Lục Nam cũng chỉ ra những khó khăn trong việc thu mua nông sản ở vùng dịch như dù UBND huyện vẫn đang nỗ lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2, cấp giấy chứng nhận nông sản "sạch COVID-19", song thương lái ở các địa bàn khác vẫn rất ngại vào địa bàn có dịch để mua hàng. Ở trong vùng dịch, HTX tìm phương tiện vận chuyển cũng rất khó.
Cùng chung tình cảnh, bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc HTX Sao Thần Nông (Yên Dũng, Bắc Giang) chia sẻ, huyện Yên Dũng có khoảng 100ha trồng dưa hấu, dưa lê với sản lượng đang tồn đọng khoảng 2.000 tấn. Hiện nay, do nằm trong vùng dịch, phải cách ly, phong tỏa nên các thương lái không thể về địa bàn thu mua. Đồng thời, do tuân thủ việc phòng chống dịch nên người nông dân cũng không thể tự mang dưa đi bán ở các địa bàn khác.
Đầu ra gặp khó khăn, giá dưa năm nay giảm 1/2 so với năm trước. Nếu như năm 2020, bà con nông dân bán dưa hấu cho thương lái tại ruộng dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg thì nay còn 6.000 đồng/kg. Tương tự, dưa lê giảm từ 15.000 đồng/kg xuống còn 8.000 đồng//kg.
"Chúng tôi mong muốn các cá nhân, doanh nghiệp (DN) kết nối với HTX để việc thu mua hỗ trợ cho bà con diễn ra nhanh chóng", bà Nhung kiến nghị.
Cần nhanh chóng gỡ vướng
Trước tình hình khó khăn của nông dân, HTX nông nghiệp, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Liên minh HTX cấp tỉnh chủ động thông tin, phản ánh và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, nhất là địa bàn bị cách ly, giãn cách xã hội, kịp thời cung cấp địa chỉ, mặt hàng, số lượng, chất lượng và điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm thành viên cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư và Liên minh HTX tỉnh, thành phố khác để kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm.
"Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm Phát triển thương mại và Đầu tư thuộc Liên minh HTX Việt Nam khẩn trương và chủ động kết nối các kênh phân phối, bán lẻ lớn và mạng lưới HTX, liên hiệp HTX thương mại trên địa bàn cả nước để tiêu thụ sản phẩm cho tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam yêu cầu.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, để đảm bảo sản xuất và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT hướng dẫn các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, đóng góp, bảo quản đảm bảo an toàn dịch bệnh như sử dụng bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, phun khử khuẩn cho các dụng cụ lao động... Huy động nhân lực tại chỗ và máy móc để thu hoạch các nông sản đã đến thời điểm thu hoạch.
Đối với vùng phải cách ly xã hội, có phương án huy động lực lượng quân đội, lực lượng tình nguyện (đã được xét nghiệm COVID-19 âm tính) để tham gia hỗ trợ việc thu hoạch, đóng gói và vận chuyển hàng hóa để tiêu thụ cho nông dân. Sẵn sàng chuẩn bị các điểm tập kết hàng hóa, hướng dẫn các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa phương để tiêu thụ nông sản như: phun khử khuẩn xe, hàng hóa, khai báo ý tế theo quy định. Trường hợp lái xe vùng khác không vào được cần có phương án đổi lái xe tại các chốt kiểm tra y tế hoặc bố trí địa điểm, lực lượng để bốc xếp hàng hóa lên xe cho phù hợp. Có phương án phân luồng giao thông và thông tin rộng rãi, hướng dẫn cho lái xe đến vận chuyển tiêu thụ nông sản kịp thời.
Cùng với đó, thành lập “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang” trong điều kiện dịch COV ID 19, giao Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp cùng với Trung tâm Khuyến nông thực hiện, với những nhiệm vụ cụ thể như cử cán bộ nắm bắt khó khăn, vướng mắc và nhu cầu tiêu thụ nông sản của nhân dân, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chính quyền cơ sở, kết nối với người sản xuất và thị trường tiêu thụ; tổ chức xây dựng và hướng dẫn các địa phương các biện pháp thu hoạch, đóng gói và vận chuyển nông sản để tiêu thụ.
Về vấn đề tiêu thụ, vận chuyển nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hồi tháng 3/2021 khi dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, Bộ đã ban hành quy trình thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản ở vùng đang có dịch C0VID-19. Tuy nhiên về quy trình vận chuyển hàng hóa từ vùng đang có dịch thì do Bộ GTVT phụ trách. "Chúng tôi đã trao đổi với Bộ GTVT và được biết Bộ này sẽ ban hành quy trình trên trong mấy ngày tới", ông Hải cho biết.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện ngay một số nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mặt hàng quả vải cho tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thy Lê